(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Rất nhiều sinh viên vẫn còn thức đến tận khuya. Một số có thể là đang bận vùi đầu vào việc học, nhưng phần lớn sẽ dành thời gian đó cho xem phim, chơi game và lướt mạng. Ai đi qua thời sinh viên cũng sẽ biết điều đó.
Lúc còn sinh viên, tôi và nhiều bạn bè khác cũng như thế. Thức rất khuya để rồi dậy muộn vào sáng hôm sau, kết quả là trễ học và lên lớp lén lút ngủ bù. Nếu ai không dậy nổi thì cúp tiết là chuyện tất nhiên.
Một chuyện khác, ngày cuối tuần, bạn tôi hẹn 8h sáng chủ nhật dạo phố, uống cà phê, nhưng mãi tám rưỡi không thấy đâu, gọi điện thì bạn vẫn còn ngủ, do tối trước thức muộn đến hơn 1h sáng. Hay những hình ảnh học sinh ngủ gà ngủ gật sau lưng cha mẹ khi được chở đến trường cũng không hiếm. Tôi có thói quen ngủ trước 23h, nhưng nhiều khi có việc phải làm muộn, để ý thấy gần qua ngày mới rồi mà hàng trăm tài khoản Facebook vẫn "sáng đèn".
Từ đó có thể thấy, một vấn đề mà nhiều thanh thiếu niên hiện nay thiếu thốn không phải là miếng ăn, mà là giấc ngủ. Có lẽ 12 tiếng ban ngày là chưa đủ nên khá nhiều người cắt xén giấc ngủ để hoạt động về đêm. Như một bài hát nhạc trẻ ví von là người âm phủ, ngày thì ngủ đêm thì thức. Hay có nhiều người tự ví mình là "cú", tức loài động vật chuyên hoạt động về đêm.
Để có một cơ thể khỏe mạnh và trí óc minh mẫn, ngoài ngoài việc ăn uống đầy đủ dưỡng chất, cũng cần phải có thời gian nghỉ ngơi mới tái tạo năng lượng thì mới đủ sức học tập và làm việc hết công suất.
Giấc ngủ được chia làm hai giai đoạn là ngủ nông và ngủ sâu. Thời gian của giai đoạn ngủ sâu càng lâu thì chất lượng giấc ngủ càng tốt. Đây là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá một giấc ngủ ngon. Người trưởng thành 18-40 tuổi cần một ngủ 8 tiếng. Nhưng với những cạm bẫy của những cú lướt mạng xã hội không có hồi kết hay những bộ phim hấp dẫn từ smartphone, máy tính thì mấy ai chịu chăm chút giấc ngủ cho bản thân?
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Anh Minh