Một sáng cuối tuần cách đây không lâu, tôi ghé vào một quán cà phê lớn, có tiếng ở quận trung tâm Hà Nội – nơi vốn nổi tiếng vì đông khách. Tôi không đến đây thường xuyên, nhưng hôm ấy tiện đường, lại muốn ngồi lại một chút nên chọn ghé vào.
Sau khi gọi một ly trà đào, tôi nhẹ nhàng đề nghị bạn nhân viên: "Em cho chị đồ uống vào cốc thủy tinh nhé? Chị ngồi tại quán". Bạn nhân viên trẻ thoáng ngập ngừng, rồi đáp: "Dạ, xin lỗi chị, bên em hiện chỉ phục vụ bằng cốc nhựa ạ".
Tôi thắc mắc, nhìn sang quầy pha chế – nơi chất cả chồng cốc thủy tinh cao, phủ bụi, không ai dùng tới, rồi chỉ tay nói: "Cốc thủy tinh kìa em, sao không dùng? Chị ngồi lại chứ không có mang đi".
Bạn nhân viên lúng túng giải thích rằng "quán đã chuyển sang phục vụ toàn bộ bằng cốc nhựa để tiện đóng gói, kể cả khách ngồi tại chỗ, vì số đơn đặt online và mang đi quá nhiều, nhân lực không đủ để phân biệt, rửa cốc... nên thống nhất dùng một loại cho tất cả".
Không muốn làm khó nhân viên, tôi đành cầm ly trà đào đựng trong chiếc cốc nhựa trong suốt, ngồi lặng lẽ ở góc quán, lòng có chút chán nản. Cốc trà vẫn ngon, vẫn mát, vẫn có mùi hương đào thoang thoảng, nhưng cảm giác tận hưởng của tôi dường như đã mất một nửa. Tôi không trách bạn nhân viên ấy vì bạn chỉ đang làm theo quy định của quán. Nhưng tôi tiếc cho cả một hệ thống lớn như vậy, lẽ ra có thể làm khác đi, nhưng họ lại chọn cách dễ dàng hơn, nhanh hơn, nhưng kém bền vững hơn.
>> 'Từ chối mua đồ siêu thị vì combo khay nhựa - màng bọc nilon'
Tôi hiểu rằng việc chuyển đổi thói quen sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường thay vì đồ nhựa dùng một lần là chuyện không dễ. Giá thành cao, vận hành rối rắm: túi giấy dễ bục; thìa gỗ đắt gấp bốn lần; ly thủy tinh dễ vỡ, mất công vệ sinh; ống hút giấy bất tiện... Nhưng nếu quán có thể linh hoạt hơn – chẳng hạn dùng cốc thủy tinh, thìa inox, ống hút giấy cho khách ngồi lại tại quán, còn chỉ dùng cốc nhựa cho đơn mang đi, thì chắc chắn sẽ có những người như tôi ủng hộ.
Bởi mỗi chiếc cốc nhựa bị vứt đi sau vài phút sử dụng là thêm một phần gánh nặng cho môi trường. Ở Hà Nội, mỗi ngày có 1.400 tấn rác nhựa thải ra, trong đó 60% là loại dùng một lần và túi nilon. Tôi không muốn mình góp thêm vào con số đó, dù chỉ là một ly trà.
Chuyện ấy đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Bình thường, tôi vẫn luôn mang theo một chiếc cốc cá nhân nhỏ mỗi khi đi mua đồ uống ngoài quán. Cũng không phải quán nào cũng chấp nhận hay thoải mái với điều đó, nhưng ít nhất tôi cảm thấy nhẹ lòng vì mình đã cố gắng và có trách nhiệm bảo vệ môi trường sống quanh mình.
Thay đổi không phải là chuyện một sớm một chiều. Nhưng nếu mỗi người kiên nhẫn một chút, mỗi quán linh hoạt một chút, tôi tin ta có thể làm được điều gì đó tích cực hơn cho thành phố này. Chúng ta xứng đáng được uống một ly cà phê ngon, trong một chiếc cốc không khiến hành tinh này thêm đau.
Tại Chỉ thị 20 về xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội thí điểm không sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng đồ uống, quán ăn... nằm trong vành đai 1. Việc thí điểm sẽ thực hiện từ quý IV năm nay, nhân rộng trong các năm tiếp theo.
- Tôi nhiều năm 'cạch mặt' đồ nhựa
- Tôi từ chối mua khi cửa hàng tiện lợi quay nóng đồ ăn còn nguyên túi nilon
- Tôi lo ngại khi mua tô phở nóng hổi đựng trong ly giấy
- Tôi cắt giảm 90% đồ nhựa trong nhà
- Tôi bị cười nhạo vì cái túi nilon đứt quai dùng một năm trời
- 'Một cây chả, ba lớp nilon'