Từ xưa tới nay, cứ hễ có chút tiền, là ông bà, cha mẹ chúng ta lại mua vàng bỏ tủ. Mỗi dịp cưới xin, ma chay, đầy tháng, mọi người đều tặng nhau vàng, dù ít hay nhiều, như một cách gửi gắm giá trị lâu dài, không lo mất giá.
Trong tâm thức người Việt, vàng không chỉ là tài sản, mà còn là niềm tin.
Thực vậy, trong nhiều giai đoạn, vàng luôn giữ được giá trị, đôi khi còn trở thành phương tiện thanh toán trong đời sống hàng ngày.
Chính vì vậy, không có gì lạ khi tới tận bây giờ, nhiều gia đình vẫn giữ thói quen tích trữ vàng như một lá chắn tinh thần, hơn là một kênh đầu tư sinh lời.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, vàng không phải tấm áo giáp bất khả chiến bại. Vàng cũng có chu kỳ lên xuống. Khi thị trường hoảng loạn, nhà đầu tư có thể bán cả vàng để xuất tiền bù lỗ ở nơi khác. Khi đó, giá vàng cũng sẽ điều chỉnh mạnh, và ai mua ở đỉnh sẽ mắc kẹt, khó có thể bán với giá mong muốn, khi cần tiền khẩn cấp.
Ngoài ra, vàng không tạo ra dòng tiền, không sinh lãi, không cổ tức, khác hoàn toàn với các kênh đầu tư khác (cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư kinh doanh...). Nếu chỉ giữ vàng trong thời gian dài, giá không tăng hoặc tăng chậm, khoản đầu tư đó sẽ bị hao mòn cơ hội so với các kênh khác.
Không thể phủ nhận, với nhiều người lớn tuổi, việc cất vài chỉ vàng trong nhà là cách để... ngủ ngon hơn. Trong một thế giới biến động, giữ một phần tài sản dưới dạng vàng vẫn là hợp lý.
Nhưng nếu muốn tài sản phát triển bền vững, chỉ cầm vàng là chưa đủ. Tôi nghĩ, nhất là người trẻ cần học các phân bổ tài sản: Có thể giữ một phần vàng để phòng thân, đồng thời cân nhắc các kênh đầu tư sinh lời khác hay kinh doanh thêm để tăng thu nhập.
Nếu có 500 triệu trong tay, tôi nghĩ việc trích ra 5 đến 10% mua vàng để giữ phòng thân là hợp lý.
Nhưng dồn hết vốn vào vàng không khác để tiền vào tủ mà bỏ quên những cơ hội phát triển khác. Vàng có thể là hầm trú an toàn, nhưng đừng để nó trở thành "nhà tù" cho dòng tiền của chính mình.