Ông bạn tôi làm chủ gara ôtô. Trong một lần nói chuyện, ông bạn tôi bảo: "Tôi chỉ nhận sinh viên trường nghề làm việc thôi, sinh viên đại học xin thực tập tôi ngại lắm". Tôi ngạc nhiên, hỏi tại sao, thì ông lắc đầu: "Cái gara nhỏ chỉ cần thợ lành nghề chứ không dám nhận sinh viên trình độ đại học".
Câu chuyện đó khiến tôi trăn trở. Phải chăng chúng ta đang nhầm lẫn giữa học thuật và nghề nghiệp? Và liệu có phải mọi công việc đều cần tấm bằng đại học để được coi trọng?
Ở một số nước phát triển như Đức, hệ thống đào tạo nghề được tổ chức rất bài bản và có giá trị xã hội tương đương, thậm chí vượt trội, so với đại học trong một số lĩnh vực. Một người thợ máy giỏi có thể kiếm được thu nhập ngang ngửa, thậm chí cao hơn một kỹ sư lý thuyết. Quan trọng là ai tạo ra giá trị thực tế, ai làm được việc, chứ không phải ai có bằng cấp cao hơn.
Tôi đồng ý với quan điểm của bạn tôi. Thực tế ở ta, nhiều sinh viên đại học ngành kỹ thuật ra trường lại rơi vào trạng thái "trên lý thuyết - dưới thực hành". Họ có thể thuyết trình trôi chảy về hệ thống truyền động, về động cơ đốt trong, về công nghệ hybrid, nhưng khi được yêu cầu tháo lắp hộp số hay kiểm tra hệ thống phanh, thì lúng túng, thậm chí e ngại.
Trong khi đó, các học viên trường nghề, sau vài tháng làm việc, lại thành thục thao tác, hiểu việc, biết khách cần gì.
Vậy thì, một chiếc ôtô gặp trục trặc, người chủ xe sẽ cần ai hơn: một kỹ sư nói giỏi về lý thuyết khí động lực học, hay một người có thể nhanh chóng tìm ra lỗi điện, lỗi cơ và khắc phục ngay?
Cần thẳng thắn nhìn nhận chúng ta đang đẩy quá nhiều thanh niên vào con đường đại học, trong khi năng lực, sở thích và nhu cầu thị trường không phải lúc nào cũng phù hợp.
Lý tưởng học đại học là điều tốt, nhưng không phải con đường duy nhất để thành công hay được xã hội công nhận. Một người làm nghề sửa ôtô, nếu giỏi nghề, có tâm, cũng hoàn toàn xứng đáng được tôn trọng như bất kỳ kỹ sư hay tiến sĩ nào. Các tiến sĩ, thạc sĩ đôi khi cần phải tham vấn những người thợ nhiều năm kinh nghiệm.
Điều đáng lo ngại là sự lệch chuẩn trong tư duy xã hội, học đại học thì được coi trọng, còn học nghề thì bị xem thường. Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều bạn trẻ bị ép học đại học không vì yêu thích hay phù hợp, mà chỉ để cho bằng bạn bằng bè, rồi ra trường không làm được việc, cũng chẳng dám đi học lại nghề vì... xấu hổ.
Ông bạn tôi đặt vấn đề: "Tại sao người sửa ôtô không cần học đại học?". Còn của tôi là: Tại sao xã hội cứ nhất định phải đồng hóa mọi công việc với bằng cấp cao? Tại sao chúng ta không đẩy mạnh hơn việc khuyến khích người trẻ học nghề nếu nghề đó phù hợp, có tương lai, có thu nhập, có niềm tự hào?
Thành Lâm