Todaro, Lenora -
Trong những ngày đi giới thiệu và giao lưu với độc giả tại Mỹ, nhà văn trú ngụ ở khách sạn Warwick, Manhattan nhưng phải đăng ký dưới một cái tên khác. Shafak đã tự thu gọn lịch trình qua 6 thành phố đã định sẵn của mình (chỉ đọc sách ở New York) sau khi bị các nhà dân tộc chủ nghĩa ở Thổ Nhĩ Kỳ gọi là "kẻ thù của đất nước". Tất cả chỉ vì một nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn cho rằng 1,5 triệu người Armenia năm 1915 đã chết vì bị đặt dưới bàn tay của những tên đồ tể ở Thổ Nhĩ Kỳ. Một "kẻ thù" khác vừa bị ám sát hôm 19/1 là nhà báo người Thổ gốc Armenia Hrant Dink, người bạn thân thiết của Shafak. Trước sự kiện này, nhà văn đoạt giải Nobel Orhan Pamuk đã phải hoãn chuyến thăm Đức, bay sang Mỹ lánh nạn và chưa hứa hẹn ngày nào sẽ trở lại quê hương. Còn Shafak, mỗi bước cô đi giờ có sự giám sát chặt chẽ của vệ sĩ.
Khoảng 60 trí thức Thổ Nhĩ Kỳ đã bị các nhà dân tộc chủ nghĩa cực đoan lôi ra tòa vì tội "công khai sỉ nhục quốc thể". Bị khép vào tội này đồng nghĩa với việc phải lãnh mức án 3 năm tù. Nhưng chỉ duy nhất Shafak phải ra tòa vì những gì nhân vật trong cuốn tiểu thuyết của cô phát biểu. Nhà văn tin rằng, điều luật đó là một trong những nguyên nhân khiến đoàn tàu Thổ Nhĩ Kỳ trật khỏi đường ray trên hành trình gia nhập EU bởi nó biến đất nước này thành một quốc gia "hẹp hòi và bài ngoại".
![]() |
Nhà văn Elif Shafak. |
Tiểu thuyết của Shafak The Bastard of Istanbul là một tác phẩm ăn khách ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tác phẩm kể về hai gia đình: một là người Thổ sống ở Istanbul, một là người Armenia sống ở California và Arizona (nơi Shafak từng dạy học một thời gian). Qua câu chuyện của họ, nhà văn đề cập trực diện đến một "taboo" trong đời sống chính trị Thổ Nhĩ Kỳ - vấn đề người Armenia. Liệu cái chết của hơn 1 triệu người Armenia ở nước này năm 1915 có phải là một vụ diệt chủng?
Shafak coi mình là một kẻ du mục mang tinh thần tự do. Cô là con gái của một nhà ngoại giao đã ly dị chồng. Hai mẹ con cô sống qua nhiều quốc gia như Đức, Tây Ban Nha, Jordan. "Tôi là người vừa viết về chính Thổ Nhĩ Kỳ vừa viết rất xa nó. Khi tôi cảm thấy bị tù túng, tôi tìm cách đi xa". Kể từ phiên tòa diễn ra vào tháng 9/2006, nhà văn thường xuyên phải sống trong tình trạng bị đe dọa. Khi mang thai đứa con đầu lòng, cô đã phải sống trong những ngày tháng căng thẳng nhất. Nằm trong bệnh viện chờ sinh con, nhà văn đã chứng kiến cảnh ảnh của cô bị người ta đem đốt trong một đoạn phóng sự chiếu trên tivi. "Điều nghịch lý đã diễn ra. Trong khi trên tivi tràn đầy những hình ảnh đen tối và bạo lực, tôi lại ngồi đếm từng phút chờ sự ra đời của đứa con đầu lòng với bao nhiêu hy vọng hướng về nơi ánh sáng", nhà văn nói.
Với 100 trang tiểu thuyết, Shafak khéo léo dựng lên hai cốt truyện đầy xung đột xuất phát từ hai nền văn minh, từ những mâu thuẫn tồn tại hàng trăm năm trong lịch sử giữa hai dân tộc. Shafak còn miêu tả khá tỉ mỉ cuộc sống thường nhật của những người phụ nữ, nghệ thuật nấu nướng và cách ẩm thực của họ. "Tôi vẫn luôn ngạc nhiên bởi không hiểu sao có những món ăn quen thuộc lại có thể vượt qua biên giới giữa các quốc gia, dân tộc đến như vậy", nhà văn nói. Trong truyện, khi cùng thưởng thức món cơm thập cẩm, cả người Armenia lẫn người Thổ nhận ra rằng, dường như họ chia sẻ một khẩu vị như nhau. Thức ăn cũng là một trong những yếu tố giúp nhân vật của Shafak đánh thức những ký ức đang ngủ quên trong quá khứ.
Shafak cho biết, hiện tại cô đang đọc Don Quixote. Nhà văn tìm thấy ở đó sự đồng cảm nhất định.
(Nguồn: villagevoices)