Tamiflu là thuốc kháng virus được phê duyệt sử dụng từ năm 1999 cho trẻ từ 2 tuần tuổi trở lên, với tác dụng giảm mức độ nghiêm trọng, thời gian mắc cúm và nguy cơ biến chứng. Thuốc mang lại hiệu quả tốt nhất khi dùng trong vòng 48 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng và có kết quả xét nghiệm cúm A hoặc B dương tính, nhưng cần được bác sĩ kê đơn. Nếu nhầm những cơn ho, sốt hoặc hắt hơi ban đầu do cúm gây nên với cảm lạnh thông thường, người bệnh có thể đã bỏ lỡ khoảng thời gian điều trị lý tưởng. Do vậy, nếu nghi ngờ trẻ mắc cúm, hãy đưa ngay trẻ đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
ThS.BS Trần Thu Nguyệt, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, nhấn mạnh Tamiflu an toàn với trẻ em, chỉ gây tác dụng phụ nhẹ như buồn nôn và nôn. Tuy nhiên, các phản ứng hiếm gặp như ảo giác, hoang mang hay co giật đã được ghi nhận ở một số trường hợp. Vì vậy, cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ và báo ngay cho bác sĩ nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường.
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), Tamiflu hiệu quả nhất nếu dùng trong 48 giờ đầu. Nếu quá thời gian này, thuốc vẫn có thể được chỉ định cho trẻ có triệu chứng nặng hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao, như trẻ dưới 5 tuổi (đặc biệt dưới 2 tuổi) hoặc có bệnh mãn tính như hen suyễn, tiểu đường, bệnh tim phổi.
Bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ không nên tự ý sử dụng Tamiflu cho trẻ. Khi trẻ xuất hiện biểu hiện cúm như sốt, ho, viêm họng, sổ mũi, mệt mỏi, cần đưa trẻ đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trong trường hợp trẻ khó thở, mất nước hoặc triệu chứng xấu đi, phải đến cơ sở y tế ngay lập tức.

Tamiflu là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, không được sử dụng tùy tiện. Ảnh: Thùy Linh
Cúm mùa là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra. Bệnh gia tăng từ trước Tết, đang tiếp tục lan rộng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hàng chục ca bệnh được ghi nhận mỗi ngày tại các bệnh viện phía Bắc, nhiều trường hợp diễn tiến nghiêm trọng. Như Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca cúm tăng mạnh từ tháng 12/2024. Tháng 11, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 100-120 ca, nhưng đến tháng 12, con số tăng gấp 4 lần. Sang tháng 1, số ca tăng gấp 8 lần, có tuần ghi nhận tới 1.200 ca/ngày, trong đó 10-15% là ca nặng cần nhập viện theo dõi.
Cúm thường gây sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho và hồi phục sau 2-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể trở nặng, gây tử vong do viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, nhiễm trùng huyết. Người trên 65 tuổi, thai phụ, trẻ nhỏ, và người có bệnh nền như tim mạch, hen suyễn, COPD, suy thận, đái tháo đường... nguy cơ cao diễn biến nặng.
Lê Nga