Đây là tuần thứ hai mà học sinh trên toàn quốc bước vào "thử thách" học trực tuyến và cũng là tuần làm việc thứ hai với trăm nghìn thứ xáo trộn của các bậc phụ huynh.
Điều này dấy lên trong tôi câu hỏi: Trước khi đưa ra quyết định học trực tuyến, liệu các nhà quản lý giáo dục đã cân nhắc một cách nghiêm túc tình hình thực tiễn, những hệ lụy có thể có hay chỉ nghĩ đến mỗi việc "làm sao cho kịp chương trình"?
>> Ba lý do học sinh nên đi học trở lại
Trong giờ làm việc, thỉnh thoảng tôi lại phải bật camera ở nhà lên để giám sát hai con, một bé cấp II đang học trực tuyến, một bé tiểu học đang làm bài tập cô giáo giao về nhà.
Cũng trong lúc đó, nhóm phụ huynh - học sinh trên một ứng dụng chat cũng nhảy nhót liên tục những dòng tin nhắn "cô ơi, con không vào được", "cô ơi, bài giảng bị lỗi chữ, con không hiểu"...
Đó là tôi còn "may mắn" hơn rất nhiều phụ huynh khác vì các con cũng đã lớn và trường tiểu học của con tôi không cho học trực tuyến. Riêng cô bạn đồng nghiệp ngồi bên cạnh thì "đứng ngồi không yên" vì nhà không có người trông bé, cũng không có người am hiểu về công nghệ, nên buộc phải thuê cô giáo đến nhà kèm cho con. Thế nhưng, vất vả mãi mới tìm được người thì khi đến dạy lại không truy cập vào ứng dụng dạy học được do "hệ thống quá tải".
Ngoài những rắc rối nêu trên mà phụ huynh coi như phải "cắn răng" chịu đựng do sợ con mất bài, con hổng kiến thức vì khi được đi học trở lại đã hết thời gian, nên giáo viên cũng chẳng còn cơ hội để hệ thống lại, điều đáng lo nhất là tác động của các thiết bị điện tử và thế giới ảo với trẻ.
Khi trẻ tự học ở nhà, liệu giáo viên có biết trẻ nào nghiêm túc học, trẻ nào chỉ bật nút "tham gia" nhưng hoàn toàn không để tâm tới những gì đang được giảng (vì được yêu cầu tắt camera đi). Khi trẻ tự học ở nhà, phụ huynh chỉ thấy con chăm chăm vào máy tính, chứ có biết trẻ đang lướt net, chơi game, tán gẫu, xem phim...
Điển hình nhất là mới đây, một mẹ có con học lớp 4 ở quận Phú Nhuận (TP HCM) chia sẻ với tôi rằng, nhờ có phần mềm "theo dõi" nên biết rằng có bạn cùng lớp rủ bé nhà chị "chat riêng" trong giờ học trực tuyến những thông tin có phần nhạy cảm.
Thêm nữa, một trong những điều khiến các phụ huynh cảm thấy hết sức bức xúc đó là lịch học online vô cùng dày đặc. Trẻ học 7-8 tiết một ngày. Điều này đồng nghĩa với việc là trẻ phải dành hơn năm tiếng mỗi ngày để ngồi trước máy tính, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, nhất là thị lực khi phải liên tục tiếp xúc với ánh sáng xanh.
>> Nghỉ học phòng dịch nCoV - xác suất và những yếu tố ngoại vi
Thậm chí, điều hết sức phi lý là những tiết như "Thể dục" và "Sinh hoạt lớp" cũng được đưa vào thời khóa biểu. Điều này có cần thiết và khoa học chưa?
Chúng tôi là phụ huynh nhưng không có nghĩa là không hiểu áp lực về bài vở, phân phối chương trình đối với ngành giáo dục. Thế nhưng, liệu học trực tuyến lúc này đã là hợp lý chưa, cách tổ chức đã chặt chẽ chưa. Những hệ lụy của việc này đã được cân nhắc chưa, các phương pháp học tiến bộ khác như lớp học đảo ngược (flipped room) nên được áp dụng chưa?
Và chẳng lẽ, chúng ta lại chỉ ngồi im chịu đựng khi con cái chúng ta còn rất nhiều thời gian để học mà lại phải gò mình vì một quyết định thiếu cân nhắc như thế?
Rất mong những nhà giáo dục linh hoạt hơn để con trẻ không trở thành "thế hệ mất mát" tiếp theo của thời đại khi dịch bệnh hoành hành.
Hân Thái
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.