Xung quanh đề xuất bỏ xếp thứ tự học sinh theo điểm số, có một số ý kiến bày tỏ lo lắng "học sinh mất động lực khi bỏ xếp hạng theo điểm số". Tôi lại cho rằng xếp hạng, điểm số chỉ tạo nên tính ganh đua, chạy theo thành tích ảo. Giáo dục đúng cách phải giúp học sinh hiểu được các em học vì cái gì, học để thu nhận kiến thức cho bản thân chứ không phải đua xem ai giỏi hơn ai?
Nếu nói áp lực, cạnh tranh là tạo động lực thì sẽ hoàn toàn sai lầm. Thậm chí, làm vậy còn phản tác dụng, chỉ tạo ra động lực học đối phó và triệt tiêu mong muốn học thực chất của học sinh. Nói cách khác, các bạn chỉ học để đạt được cái thành tích nhất định nào đó thôi, còn sau khi đã đạt được rồi, bạn sẽ không muốn học nữa. Hơn nữa, nó còn thúc đẩy tính ích kỷ, học để tô điểm thành tích cá nhân, học vì điểm số, chứ không học vì thực tiễn, vì cộng đồng.
Theo tôi, phương pháp giáo dục hiệu quả nhất là phải triệt tiêu hoàn toàn những áp đặt trong giáo dục, tạo cho học sinh sự chủ động hoàn toàn, tập trung vào xây dựng sự hứng thú, vui vẻ trong học tập cho các em. Chỉ có như vậy, chúng ta mới tạo được tư duy cởi mở, độc lập, và sự học thực chất cho học sinh. Thế nên, mọi sự phân loại, xếp hạng học sinh nên bị loại bỏ.
Nếu học sinh muốn trở thành game thủ mà bỏ bê việc học thì sao? Khi đó, người lớn phải giải thích cho các em hiểu rằng công việc này không giúp ích được nhiều cho xã hội, hoặc không phải là ngành ổn định, kiếm tiền bền vững... Từ đó, học sinh đó sẽ hiểu không thể lấy việc chơi game làm sự nghiệp sau này được, mà phải tu tâm học tập để theo nghề nào đó khác. Đó là nếu bạn thực sự nghĩ đấy là lựa chọn tốt nhất cho con. Còn với tôi, dù có làm game thủ hay bất kỳ nghề gì cũng có những giá trị riêng của nó hết, chỉ là bạn chưa nhìn ra mà thôi. Nên quan trọng vẫn là người lớn phải biết lắng nghe và thấu hiểu cho suy nghĩ của con trẻ để có những định hướng chính xác nhất.
>> Tôi không ép con lấy cần cù bù thông minh
Học nhàn, học nặng, hay kể cả không học là do học sinh tự do lựa chọn, miễn sau này các em làm được việc. Mỗi học sinh có tư duy, tố chất, mong muốn khác nhau. Chúng ta có thể định hướng sớm cho con là học để sau này làm việc cụ thể gì. Những hãy nhớ là chỉ dừng lại ở mức định hướng chứ không áp đặt.
Ở đây, có một phương pháp giáo dục tối ưu là tuyệt đối không áp đặt ngoại lực, cụ thể là không chính thức hóa hay đặt nặng những thứ như điểm số, kiểm tra, thi cử, bài tập... để cho học sinh hoàn toàn tự do trong lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp nhất với mình. Học sinh muốn học gì cũng nên được tạo điều kiện học, thậm chí học đại học ngay cũng được nếu tự thấy đủ khả năng.
Văn hóa giáo dục ở Thụy Sỹ, Phần Lan, Đức, Pháp chưa bao giờ gây áp lực cho học sinh cả. Thế nhưng họ vẫn xây dựng được một xã hội giàu có đấy thôi. Vậy nên, áp lực không tạo ra sự sáng tạo và động lực phát triển, mà ngược lại còn triệt tiêu chúng. Học tập cần đến sự chủ động, đam mê thực chất của học sinh, chứ gượng ép từ áp lực sẽ phản tác dụng.
Muốn học sinh hạnh phúc thì nền giáo dục cần thay đổi tư duy, cần loại bỏ những áp đặt trong giáo dục, ví dụ như điểm số, thành tích và chú trọng sự học thực chất thay vì học để tô điểm thành tích của bản thân. Có hai việc cần làm ngay: thứ nhất là bỏ tất cả những thứ gây áp lực học học sinh như kiểm tra, thi cử, bài tập về nhà; thứ hai là giảm tải chương trình học. Làm được hai điều này, tôi tin rằng chúng ta sẽ cơ bản có được nền giáo dục tiên tiến.
>>Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.