Trong một tháng qua, thế giới công nghệ đã xôn xao khi mô hình AI DeepSeek, sản phẩm trí tuệ nhân tạo mới của Trung Quốc, chính thức ra mắt. Đây được xem là nỗ lực đầy tham vọng nhằm thu hẹp khoảng cách với các ông lớn công nghệ phương Tây trong lĩnh vực AI.
Sự ra đời của DeepSeek không chỉ đánh dấu bước tiến trong công nghệ, mà theo tôi, còn mở ra góc nhìn mới về quá trình phát triển của nền văn minh Trung Hoa kể từ thời Tứ đại phát minh: la bàn, thuốc súng, nghề làm giấy và nghề in.
Trung Quốc từng tự hào với những phát minh vĩ đại đã làm thay đổi thế giới nghìn năm trước. Tuy nhiên, sau thời kỳ đó, dường như Trung Quốc đã hụt hơi trong việc tạo ra những đột phá công nghệ có tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Khi phương Tây khởi đầu với máy hơi nước, đến kỷ nguyên máy tính cá nhân và điện thoại thông minh, các thương hiệu Trung Quốc như Xiaomi hay Huawei chỉ được xem như những đối thủ cạnh tranh về giá cả, nhưng vẫn còn phải phụ thuộc nhiều vào công nghệ của phương Tây.
Điều này cho thấy một khoảng cách nhất định trong khả năng đổi mới sáng tạo.
Với DeepSeek, Trung Quốc đang đặt cược vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, một ngành mà các ông lớn từ Mỹ như OpenAI và Google đã tạo ra những sản phẩm mang tính cách mạng như ChatGPT và Gemini.
DeepSeek được phát triển với mục tiêu cung cấp các giải pháp AI hiệu quả, chi phí thấp và phù hợp với điều kiện của thị trường nội địa, nhưng đồng thời cũng nhằm mở rộng ảnh hưởng trên toàn cầu.
Các công ty sản xuất chip và nhà cung cấp dịch vụ đám mây trong nước đã nhanh chóng hỗ trợ bằng cách tích hợp các mô hình của DeepSeek vào hệ thống của họ, từ đó giúp giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu.
Theo các báo cáo từ các cơ quan truyền thông thế giới, DeepSeek đã nhanh chóng thu hút sự chú ý khi người dùng tải xuống sản phẩm vượt qua số lượt tải của một số sản phẩm AI nổi tiếng.
Sự ra đời của DeepSeek không chỉ là dấu mốc công nghệ mà còn là minh chứng cho chiến lược dài hạn của Trung Quốc trong cuộc đua AI toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, DeepSeek được kỳ vọng sẽ là "tấm gương" cho các công ty nội địa khác, giúp Trung Quốc tạo ra những sản phẩm AI có sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của DeepSeek cũng đi kèm với một số thách thức và lo ngại. Một số quốc gia đã bày tỏ mối quan ngại về quyền riêng tư và an ninh khi sử dụng các ứng dụng AI từ Trung Quốc, dẫn đến các cuộc điều tra và thậm chí là việc chặn ứng dụng này tại một số thị trường.
Điều này đặt ra câu hỏi về sự cân bằng giữa đổi mới sáng tạo và bảo vệ quyền lợi người dùng, một bài toán không dễ giải cho bất kỳ quốc gia nào khi tiến vào kỷ nguyên số.
Đồng thời, sự ra đời của DeepSeek cũng làm nổi bật một vấn đề truyền thống: sự hụt hơi của Trung Quốc sau Tứ đại phát minh. Khi những phát minh cổ xưa đã đưa Trung Quốc lên đỉnh cao của tri thức nhân loại, thì sau đó, khi công nghệ hiện đại bùng nổ ở phương Tây, khả năng đổi mới của Trung Quốc dường như chững lại.
Một câu hỏi đặt ra là trong 200 năm gần đây, Trung Quốc có thực sự phát minh ra máy móc, kỹ thuật gì đó không?
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, DeepSeek được xem như một nỗ lực mạnh mẽ nhằm lấy lại vị thế, nhưng liệu nó có thực sự đủ để thay đổi cục diện toàn cầu hay chỉ là một bước tiến nhỏ trong một cuộc đua dài?
Bạn đã trải nghiệm DeepSeek? Bạn có đồng ý quan điểm của tác giả bài viết?
Ngọc Minh