Đi chợ Tết là một phong tục gắn liền bao đời với người dân Việt Nam và chợ ngày Tết luôn cũng mang ý nghĩa quan trọng trong tiềm thức của mỗi người con đất Việt. Năm nào tôi cũng có thói quen đi chợ vào ngày giáp Tết, vừa để mua hoa về cắm, mua quả về bày bàn thờ, vừa ngắm mọi người đi sắm Tết. Năm trước có 30 ngày, tôi hay đi chợ vào ngày 29. Năm nay chỉ có 29 ngày nên 7h sáng 28 tháng Chạp, tôi đi chợ gần nhà ở quận Hà Đông, Hà Nội.
Thời điểm này, nhiều người đã về quê nên đường khá vắng. Tôi đi bộ đi chợ để tận hưởng cái không khí háo hức khi Tết đến. Mua sắm chuẩn bị cho ba ngày Tết thường không phải chỉ để "có cái ăn" mà đó là thói quen, làm dậy lên không khí ngày lễ hội. Dẫu cuộc sống hiện tại đã có nhiều đổi thay nhưng những phiên chợ ngày Tết vẫn mang đến nhiều giá trị văn hóa, nhiều tình cảm quê hương đã bám rễ sâu trong tâm hồn mỗi con người mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Việc chuẩn bị Tết ngày nay cũng trở nên dễ dàng hơn, tôi chỉ cần hai tiếng ra chợ là có đủ cho một cái Tết. Gần như tất cả đã được làm sẵn nên người ta không phải lụi cụi vất vả chuẩn bị Tết như xưa. Rất nhiều mặt hàng từ quần áo đến các loại bánh kẹo, thực phẩm đóng gói, giò chả, bánh chưng nấu sẵn, các loại đồ khô như măng miến, nấm hương, mộc nhĩ... đã được bày bán la liệt khắp các chợ từ thành phố đến nông thôn trước cả tháng trời.
Không phải nấu nướng hay sửa soạn công phu nên thời gian chuẩn bị trong những ngày giáp Tết cũng được rút ngắn rất nhiều. Tôi làm viên chức nhà nước nên được nghỉ Tết chín ngày. Ngày 26 Tết, tôi nghỉ ngơi ở nhà, lau dọn bàn thờ, tủ lạnh. Ngày 27 tôi lau dọn toàn bộ năm tầng nhà. Sáng 28 tháng Chạp tôi mới đủng đỉnh đi ra chợ gần nhà ngắm hoa, mua thực phẩm.
Chợ ngày Tết thật đông vui, nhộn nhịp. Nguồn cung lương thực, thực phẩm tương đối dồi dào và đa dạng. Giá các loại mặt hàng cơ bản không có biến động. Giá bán đa số các mặt hàng tăng giá khoảng 10-20% so với bình thường. Chỉ riêng chuối xanh là tăng giá gấp ba lần so với năm ngoái, còn với ngày thường tăng gấp 7-10 lần. Do nguồn cung không lớn, cộng thêm ảnh hưởng của bão Yagi, chuối bị đổ, hỏng, ngập, dẫn đến nguồn cung cho dịp Tết bị hạn chế. Vì chuối xanh đắt quá, không xứng đáng với giá trị thực của nó nên tôi không mua. Thay vào đó, tôi mua năm loại quả khác nhau gồm: bưởi da xanh, táo đỏ, lê, cam, thanh long để bày mâm mũ quả ở bàn thờ tổ tiên.
>> Tiền ăn chỉ 2 triệu một tháng nên tôi không sợ Tết
Tôi không mua nhiều thực phẩm vì chỉ tính đến mùng Ba là đi chợ mua thức ăn mới. Hơn nữa, tối 27 Tết, vợ chồng em gái út đã biếu tôi một con gà trống làm sạch để trong túi hút chân không, hai cái bánh chưng, ba hộp nem đã gói sẵn, một kg giò lụa và một ít bánh kẹo. Vợ chồng em gái thứ hai cũng mang biếu tôi một hộp quà tết có đủ rượu, bánh, kẹo, chè, mứt, cà phê và một chậu quất nhỏ xinh đặt ở phòng khách... Nói chung, các em sắm Tết cho tôi khá đầy đủ nên tôi chỉ đi chợ mua thêm ít rau, trứng, thịt, tôm, hoa quả, hoa cắm bàn thờ và hoa cắm lọ đặt ở phòng khách ngắm Tết là xong.
Sau khi mua xong thực phẩm, tôi đi mua hoa. Năm nay, do ảnh hưởng của bão số ba và mưa lũ sau bão hồi tháng 9/2024, nhiều diện tích đào tại Nhật Tân (Hà Nội) bị ảnh hưởng. Vì thế, giá đào Tết năm nay có biến động theo chiều hướng tăng. Mọi năm, để sở hữu một cành Đào huyền đẹp chỉ cần chi hơn một triệu đồng. Tuy nhiên năm nay, một cành đào huyền đẹp năm có giá từ hai triệu đồng trở lên. Với cành đào nhỏ dáng tròn truyền thống, mọi năm chỉ khoảng 300- 500 nghìn đồng một cành, năm nay giá từ 600 - 800 nghìn đồng.
Vì giá đào năm nay cao so với năm ngoái nên tôi không mua mà chọn hai bó hoa tuyết mai giá 160.000 đồng, mỗi bó hoa có 10 cành cắm được một lọ hoa đặt ở phòng khách và bàn thờ. Tôi nghĩ mua hoa nào cũng được, miễn là có gia đình là có Tết, còn cha mẹ là còn Tết, trong lòng mình có Tết thì kể cả nhà không cắm hoa vẫn thấy vui, không nhất thiết phải chi số tiền lớn để mua hoa đào, quá lãng phí trong khi tiền thưởng Tết năm nay của tôi chỉ có 3.500.000 đồng, phải cân nhắc kỹ khi mua sắm.
Có lẽ, do 2024 là một năm kinh tế buồn nên người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn, mua sắm ít hơn. Quả thật, Tết đến là vui vẻ, là nghỉ ngơi, nhưng trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, đây quả là bài toán khó với nhiều bà nội trợ, nhiều gia đình. Mỗi cá nhân lại lựa chọn hình thức khác nhau để cân đối thu - chi, nhiều cách thức khác nhau để mua sắm nhưng đích cuối cùng vẫn là mang cái Tết ấm no, sung túc, đầy đủ nhất về với gia đình của mình.
Đi qua một năm với rất nhiều thăng trầm, niềm vui cũng như sự lo lắng, có vẻ với rất nhiều người trong chúng ta, Tết vui thật sự có lẽ không nằm ở những món quà Tết mang về nhà, hay sự đánh đổi những ngày đêm làm việc cật lực cho một cái Tết sung túc. Tôi tin rằng có gia đình kề cạnh, có sức khỏe đủ đầy là Tết vui rồi, và đây cũng là niềm vui lớn mỗi độ Xuân về. Dù cho còn đó vô vàn những việc tạm gọi là "không trọn vẹn", miễn là mình còn có thể khỏe mạnh bên người yêu thương, thì đó đã là "Tết đủ đầy" rồi.
- Tôi 'nghỉ Tết' chứ không 'ăn Tết'
- Tôi đáp trả những câu hỏi vô duyên ngày Tết của nhà chồng
- Ba ngày Tết ở nhà vợ như tra tấn
- Việt kiều Mỹ 60 năm giữ Tết cổ truyền
- Bắt tội nhau vì nồi thịt kho hột vịt ngày Tết không ai ăn
- Câu hỏi bao giờ lấy chồng tra tấn tôi cả Tết