Hoàng Anh Lê -
Sáng 7/6, Hội nhà văn Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức buổi gặp mặt các tác giả viết cho thiếu nhi. Tại buổi tọa đàm, các nhà văn, nhà phê bình trình bày các tham luận, đánh giá tổng quát về cái được, cái thiếu, cái yếu của mảng văn học dành cho lứa tuổi măng non.
![]() |
Các nhà văn, nhà thơ tại buổi gặp mặt hôm 7/6. |
Ông Nguyễn Huy Thắng, Phó giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng cho biết, nền văn học thiếu nhi của Việt Nam hình thành vào những năm 1950 của thế kỷ trước. Mặc dù trước đó, cùng với sự phát triển vũ bão của văn học chữ Quốc ngữ nửa đầu thế kỷ 20, nhiều tủ sách cho thiếu nhi đã ra đời ("Sách Hồng" của Tự lực văn đoàn, "Sách Hoa Xuân" của Đoàn hướng đạo Việt Nam…), nhiều nhà văn nổi tiếng cũng vào cuộc viết sách cho thiếu nhi như Khái Hưng, Nam Cao…, nhưng phải đến những năm 1950, văn học thiếu nhi mới có được nền tảng và điều kiện để phát triển. Một loạt nhà văn tâm huyết viết cho thiếu nhi xuất với những tác phẩm nổi tiếng như "Dế mèn phiêu lưu ký" của Tô Hoài, "Đất rừng phương Nam" của Đoàn Giỏi, "Chú bò tìm bạn" của Phạm Hổ, "Lá cờ thêu sáu chữ vàng" của Nguyễn Huy Tưởng, "Cái tết của mèo con" của Nguyễn Đình Thi… Nhiều cuốn sách là bạn đồng hành với các thế hệ thiếu nhi Việt Nam cho đến nay.
Nhà văn Lê Phương Liên tổng kết những chặng đường thăng trầm của văn học viết cho thiếu nhi. Theo bà, các nhà văn viết cho thiếu nhi trong suốt nhiều thập kỷ qua đã không ngừng đổi mới để bắt kịp thị hiếu, tư duy của trẻ em trong thời đại mà họ sống. Trong những năm đổi mới vừa qua, cùng với sự phát triển của ngành xuất bản, với hình thức phát hành sách định kỳ, thể loại truyện dài kỳ đã “bùng nổ”. Những bộ sách như “Kính vạn hoa” của Nguyễn Nhật Ánh, “Năm Sài Gòn” của Bùi Chí Vinh, “Học trò phố huyện” của Nguyên Hương, “Ngôi trường không nổi tiếng” của Lưu Thị Lương, “Sống sót vỉa hè” của Võ Phi Hùng… được nhiều độc giả đón nhận. Những thể loại truyện vừa với nhiều yếu tố đồng thoại luôn hấp dẫn lứa tuổi thiếu niên.
Ở mảng thơ, theo nhà văn Lê Phương Liên, bài thơ “Chú bò tìm bạn” (1956) của nhà thơ Phạm Hổ và “Gà mái hoa” (1957) của nhà thơ Võ Quảng là cái mốc đánh dấu sự ra đời của dòng thơ viết cho thiếu nhi. Sau đó, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã làm nên một hiện tượng thơ của thế kỷ XX. Sau thời kỳ này, thơ thiếu nhi chững lại, nhưng vẫn có những tên tuổi mới xuất hiện như Phùng Ngọc Hùng, Nguyễn Hoàng Sơn, Trần Quốc Toàn, Đặng Hấn, Phạm Đình Ân, Dương Thuấn… Mới đây, tập thơ “Con chuồn chuồn đẹp nhất” (2010) của Cao Xuân Sơn và “Dắt biển lên trời” (2012) của Hoài Khánh đã đánh dấu những nỗ lực của người lớn đối với thơ viết cho thiếu nhi thế kỷ XXI.
![]() |
Nhà văn Phong Điệp (ngoài cùng bên phải) phát biểu tại buổi gặp mặt. |
Mặc dù khẳng định thành tựu của dòng văn học viết cho thiếu nhi, các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình có mặt tại buổi tọa đàm cũng khẳng định, văn học viết cho thiếu nhi chưa được quan tâm đúng mực. Nhà thơ Hoài Khánh - một nhà thơ chuyên viết cho thiếu nhi - cám cảnh: “Một số tác giả vốn thành danh với văn học thiếu nhi thì đã già. Một số người chuyển sang làm nghề khác, khiến cho bức tranh thơ thiếu nhi trở nên ảm đạm”. Theo nhà thơ Hoài Khánh, mỗi năm có khoảng 700 tập thơ ra đời, thì chỉ có 5 đến 7 tập thơ dành cho thiếu nhi. Đó là một điều đáng để suy nghĩ.
Từ góc nhìn của một dịch giả, Tạ Quang Hiệp cho rằng nếu từ nhỏ mà không được hướng dẫn chọn và đọc sách đúng cách thì khi lớn không thể đọc và thẩm thấu những tác phẩm văn học lớn. Vì thế, lựa chọn sách để dịch cho thiếu nhi cũng không hề dễ. Việc dịch văn học nước ngoài tạo điều kiện cho đội ngũ nhà văn thiếu nhi Việt Nam cọ xát, thậm chí sau này sẽ có thể cạnh tranh với văn học thiếu nhi quốc tế. Tuy nhiên, các tác phẩm văn học dịch dành cho thanh thiếu niên đang có xu hướng chọn dịch những cuốn sách tình cảm kiểu teen cho dễ bán. Các tác phẩm kinh điển dịch ra tiếng Việt khó bán, cũng do một phần thiếu đội ngũ dịch giả chuyên nghiệp cho trẻ em. Dịch giả Tạ Quang Hiệp đề xuất nên có các giải dịch thuật cho các dịch phẩm dành cho thanh thiếu nhi hàng năm, cũng như tạo điều kiện để có một tổ chức hay câu lạc bộ cho những người dịch văn học thiếu nhi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm…
![]() |
Sách thiếu nhi trưng bày tại buổi tọa đàm. |
Góp một góc nhìn lạc quan, nhà văn Phong Điệp cho rằng, văn học viết cho thiếu nhi là một mảnh đất màu mỡ trong thời đại ngày nay. Trong bối cảnh thị trường mở, tâm lý người tiêu dùng thoải mái, các ông bố bà mẹ sẵn sàng chi tiền mua cho con những cuốn sách hay, việc xuất bản sách nằm trong tầm tay của tất cả nhà văn. Bên những tác giả đã thành danh, xuất hiện một lực lượng đông đảo các nhà văn trẻ quan tâm đến lĩnh vực này, như Meggie Phạm, Phương Trinh, Hồ Huy Sơn, Nhã Thuyên, Nguyễn Xuân Thủy, Chu Thanh Hương… Đặc biệt, có một thế hệ tác giả nhỏ tuổi đang bắt đầu hình thành như Đặng Chân Nhân, Ngô Gia Thiên An, Vũ Hương Nam, Đan Thi, Mai Clara, Nguyễn Bình…
Tuy nhiên, nhà văn Phong Điệp đặt vấn đề, vì sao nhiều tác giả Việt Nam vẫn chưa được thị trường đón nhận nồng nhiệt, ngoại trừ trường hợp đặc biệt là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Theo Phong Điệp, có lẽ cần phải thay đổi cách viết. Phải chạm vào đúng mối quan tâm, sự yêu thích của các em. Phải thể hiện đúng thế giới trẻ thơ của các em. Theo chị, các nhà văn đa phần viết ra những điều mình nghĩ là đúng, là hay, nhưng với trẻ em lại không phải là như thế.
Trong cùng một mối quan tâm đến sự đào tạo trí tuệ và tâm hồn cho giới trẻ, các nhà văn thống nhất, văn học viết cho trẻ em cần được chú trọng hơn cả. Dịch giả, tiến sĩ giáo dục Thụy Anh khẳng định, văn học thiếu nhi không phải là một bộ phận nhỏ mà là một bộ phận lớn của văn học. Nhà văn, nhà thơ cần trau dồi trí tưởng tượng, để mang đến cho các em một thế giới lóng lánh những “áng mây ngũ sắc”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, kết thúc buổi tọa đàm bằng việc đưa ra những giải pháp trực tiếp như: ưu tiên cho hỗ trợ đầu tư văn học thiếu nhi, tăng cường trại sáng tác văn học dành cho thiếu nhi, khôi phục website về mảng văn học này. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng đề xuất dành một góc trên tờ báo Văn Nghệ cho thiếu nhi và tiến tới có một Ban văn học thiếu nhi, đồng đẳng với Ban văn học thiểu số và Ban văn học quốc phòng an ninh. Theo nhà thơ, trong một xã hội xuất hiện nhiều mối suy thoái về đạo đức, sự gắn kết gia đình rạn vỡ, sự trẻ hóa tội phạm ngày càng nhiều thì việc giáo dục tâm hồn cho thiếu niên phải là mối quan tâm hàng đầu, mà để làm được điều đó, một trong những kênh quan trọng chính là sách.