15/1/66
Những lúc khó khăn, những dịp cần thử thách mới đánh giá đúng sự giác ngộ của một người! Chả lẽ đến bây giờ mới hiểu rõ điều đó sao Th.?
Những chuyện xảy ra ở lớp cũng làm mình buồn vô cùng. Lớp đi B chuyến này chưa được chọn lọc kỹ, một số đã tỏ ra sợ khó sợ khổ, ít nhiều lộ tư tưởng muốn ở lại. Tư tưởng ấy biểu lộ dưới nhiều hình thức. Một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là vấn đề cưới của một số chị trong lớp. Cứ như năm nay 25-26 tuổi, với tuổi đó họ đã lo quá già và nhất định đòi cưới. Chi bộ nói nhiều với họ về sự cân nhắc giữa nhiệm vụ cách mạng và quyền lợi cá nhân và cũng khẳng định với họ rằng chi bộ không thể đồng ý điều đó - thế nhưng họ vẫn không nghe. Mình bất bình hết sức với họ. Tất cả đều là con ruột thịt của miền Nam, 10 năm trời ở đây họ được đồng bào miền Nam tin yêu gửi gắm, họ được nhân dân miền Bắc chăm sóc ưu tiên đủ mọi điều. Đến bây giờ khi mà đất nước kêu gọi, dành cho họ cái vinh dự được trở về miền Nam chiến đấu thì điều trước tiên họ lo lại là chuyện hạnh phúc cá nhân riêng họ! Họ sợ già, nhưng họ không biết cái già cỗi tàn lụi của ngọn lửa nhiệt tình cách mạng trong người họ đáng sợ gấp bao nhiêu lần cái già của tuổi tác. Họ sẽ có hạnh phúc hay không trước dư luận của quần chúng với một người trốn tránh nhiệm vụ. Họ sẽ nghĩ gì với một người đã quay đi khi tiếng gọi của miền Nam đang gọi họ?

Đặng Thùy Trâm ở Đức Phổ. Ảnh: Tư liệu
9/2
Những người ra đi trầm lặng. Trong bóng đêm mình không nhìn kỹ được mặt họ nhưng đôi mắt thì thấy rõ những ánh sáng của niềm vui, nỗi nhớ và thoáng cả nét buồn. Những bàn tay nắm chặt lấy mình rất lâu, cả những người không thân thiết.
Lúc đi bên Thắng một đoạn đường ngắn mình bỗng thấy tiếc vô cùng những ngày tháng còn ở đây. Đó là một người bạn trầm lặng, sống sâu sắc và có một sự tự trọng rất lớn.
27/2/66
Sao câu chuyện lại làm mình băn khoăn đến vậy? Mình đã nói với anh rất rõ ràng rất dứt khoát, thế nhưng nhìn anh mình không chịu đựng nổi sự lặng im ấy. H. ơi, em biết nói gì với anh, anh đến muộn quá rồi, em chỉ có một quả tim đã trao cho một người khác rồi là hết cả. Với anh em chỉ còn có thể có một tấm lòng rào rạt mến thương của một người bạn gái. Đừng đi xa hơn nữa. Hãy dừng lại và nếu có thể thì hãy cho em làm một người em của anh. Mình không nói điều đó, tùy anh giải quyết. Nói chuyện với anh bất giác mình liên tưởng đến những buổi nói chuyện với M., những câu chuyện mở cho mình tầm mắt xa hơn, rộng hơn để nhìn thấy nhiều điều tốt đẹp hơn và tự thấy mình dốt nát quá cần học nhiều hơn nữa.
15/3
Những buổi sinh hoạt với chi bộ, được xem là những người của nội bộ. Mình thấy sung sướng, mình đã gần Đảng hơn một bước, đó là một thắng lợi. Đứng trước thắng lợi ấy băn khoăn vô cùng mình đã xứng đáng chưa? Mình còn xa cách, mình đúng nhưng chưa thuyết phục được người sai. Như vậy vẫn chưa là tốt. Và hình như còn những cái nhìn ít thiện cảm với mình. Phải khắc phục Th. ạ, mình không cần lấy lòng ai nhưng cần gần gũi họ, cảm thông và chân thành trong quan hệ.
27/3
Ở Viện Mắt mình sống trong những quan hệ thầy trò xen lẫn tình cảm gia đình. Mọi người đối với mình có thân thiện hơn. Vì sao vậy? Vì mình biết đối xử hay vì những tình cảm chân thực của mình? Xã giao là một điều không xấu, có những lúc cũng cần nhưng ở đây mình không muốn vậy. Mình muốn đến với mọi người bằng tình cảm thực sự, bằng bản chất của con người mình và mến hay không là tùy họ. Hãy cố gắng dẹp những lời khéo léo mà không chân thực, mình không thế nhưng hãy đề phòng.

Ẩn phẩm do Đặng Kim Trâm - em gái liệt sĩ - biên soạn, Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành dịp kỷ niệm 20 năm cuốn "Nhật ký Đặng Thùy Trâm'' được xuất bản. Phần nhật ký do Đặng Thùy Trâm viết từ tháng 10/1965 đến ngày 14/12/1966, trước khi đi B (chiến trường miền Nam), là di cảo lần đầu được công bố của chị. Ảnh: Nhà xuất bản cung cấp
30/3
Liên có một tình yêu gần giống mình, một tình yêu chưa hề có một lời hứa hẹn, chưa hề được công nhận giữa hai người. Thế mà lại có một sự công nhận của từng trái tim và nó đã trở thành một sợi dây ràng buộc cả cuộc đời mình với cuộc đời của con người xa cách đó. Hai đứa, mình và Liên đều khát khao hạnh phúc, một hạnh phúc tìm được trong muôn ngàn tiếng ồn ào của cuộc sống, trong ngàn vạn nỗi nhớ thương, đau khổ, hy vọng và đợi chờ. Rồi ta có được hạnh phúc hay chăng?
22/5/66
Lên ở bệnh viện đã gần một phần hai tháng. Ở đây đúng là cuộc sống của một sinh viên nội trú, mình có thể xem bệnh nhân bất cứ lúc nào, có đủ sách vở, dụng cụ, thầy bạn để hỏi. Đó là một điều lợi ích thiết thực. Thế mà chi bộ cứ đặt vấn đề để mình trở về ký túc xá mãi. Mình suy nghĩ hoài. Ở đâu là thiết thực vì lợi ích chung? Ở Viện Mắt để học tốt, ở ký túc xá để gần mọi người, có thể tham gia mọi việc. Ở đâu?
Tối nay vào tập hát với lớp. Như một người đi xa về mình đến với mọi người trong niềm vui thân mến. Mình hát với Tuyết Đông, hát với Tuấn. Mình nói chuyện với anh Thành, với anh Phục... và với anh Chuyên. Ở người anh ấy có nét gì làm mình rất mến, ngoài tình đồng chí mình còn xem anh như một người anh biết thương em, dễ dãi và rất hiểu tâm lý mấy đứa em.
Có cần cứng nhắc trong tác phong hơn một chút không hở Thùy?
Kỳ 1, Còn tiếp
Liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26/11/1942, tên khai sinh là Đặng Thị Tịnh Thủy. Chị có bố là bác sĩ ngoại khoa Đặng Ngọc Khuê, mẹ là dược sĩ Doãn Ngọc Trâm - nguyên giảng viên Đại học Dược Hà Nội.
Tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, Đặng Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường B. Tháng 3/1967, chị vào đến Quảng Ngãi và được phân công về phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ - đơn vị dân y nhưng chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh. Ngày 22/6/1970, Đặng Thùy Trâm bị địch phục kích trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, hy sinh khi mới 27 tuổi.