Đằng sau cuộc gọi cấp cứu

Tổng đài viên Phạm Thị Nọ (33 tuổi), Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM, một tay cầm điện thoại trấn tĩnh người gọi, tay còn lại gấp gáp kéo chuột mở video hướng dẫn hồi sức tim phổi từ máy tính.

- Anh ơi, giữ bình tĩnh! Quỳ bên cạnh nạn nhân, giơ cao máy em xem ép tim đã đúng chưa anh ơi?

Bệnh nhân bất tỉnh, không phản xạ dù được lay gọi, vỗ vai, hay kiểm tra mí mắt. Với hơn 10 năm kinh nghiệm điều dưỡng, chị Nọ biết đây là dấu hiệu của tình trạng ngừng tuần hoàn - cấp độ nguy kịch.

Chị quay sang đồng nghiệp nhờ hỗ trợ điều xe cấp cứu ngay lập tức từ trạm vệ tinh gần nhất, rồi nhanh chóng trở lại màn hình tiếp tục hướng dẫn người gọi ép tim cho bệnh nhân.


Tổng đài viên Phạm Thị Nọ (33 tuổi) hướng dẫn người báo tin cách sơ cứu cho bệnh nhân ngưng tim ngưng thở trong lúc chờ xe cấp cứu.

0:00
0:35
1:23

Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM là một trong 29 tỉnh, thành trên cả nước trước khi sáp nhập có đầu số 115, còn lại giao cho cơ sở y tế tư nhân phụ trách hoặc chưa có đầu mối này, theo báo cáo năm 2023 của Bộ Y tế.

Mô hình cấp cứu ngoại viện điển hình nhất tại Việt Nam là một trung tâm cấp cứu giữ vai trò điều phối, cùng mạng lưới trạm vệ tinh phân bố tại các bệnh viện trên địa bàn. Trước sáp nhập, Trung tâm 115 TP HCM gồm 45 trạm vệ tinh rải khắp thành phố - nhiều nhất cả nước.

Đội ngũ nhân viên y tế 115 là những người đầu tiên tiếp nhận ca bệnh, xác định mức độ khẩn cấp và hành động để tranh thủ “giờ vàng” cấp cứu bệnh nhân. Thời gian đáp ứng cấp cứu được tính từ lúc tiếp nhận cuộc gọi; xuất xe; tiếp cận hiện trường; xử lý và vận chuyển. Mỗi khâu trong chuỗi phản ứng sau cuộc gọi 115 đều góp phần quyết định tăng cơ hội sống cho bệnh nhân.

Theo nghiên cứu Thời gian phản hồi của dịch vụ y tế khẩn cấp và tỷ lệ tử vong trong bối cảnh đô thị đăng trên tạp chí Prehospital Emergency Care, nếu xe cấp cứu đến trong vòng 8 phút, tỷ lệ tử vong là 7,1%; còn dưới 7 phút, tỷ lệ này giảm xuống còn 6,4%.

Thời gian đáp ứng càng ngắn, hy vọng sống của người bệnh càng cao. Nhưng thực tế quy trình cấp cứu luôn tiềm ẩn nhiều biến số có thể đảo chiều sinh - tử.

Thời gian phổ biến nhất của từng hoạt động trong cấp cứu ngoại viện (tính theo trung vị, thống kê năm 2023 của Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM)

Dưới 5 phút là thời gian kích hoạt cấp cứu phổ biến từ lúc nhận điện thoại đến khi xuất xe. Trung tâm 115 TP HCM tiếp nhận trung bình 1.000 cuộc gọi cấp cứu mỗi ngày, giải quyết 40-60% tin báo trong hệ thống cấp cứu ngoại viện, còn lại là bệnh viện và các đơn vị tư nhân. Tổng đài 115 hoạt động 24/7, với hai khung thời gian bận rộn nhất là 8-15h và 16-23h. Các cuộc gọi được chia đều cho 6 đường dây tổng đài viên vào ban ngày, và 3 người trực ban đêm.

Dù số cuộc gọi lớn, thực tế chưa tới 10% có nhu cầu cấp cứu thực, còn lại là các cuộc gọi trao đổi ngoài chuyên môn, quấy phá, hoặc cấn máy.

Số cuộc gọi cấp cứu và lượt xuất xe thực tế của Trung tâm 115 TP HCM

Nguồn: Sở Y tế TP HCM

Theo BS Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM, tất cả cuộc gọi vào đầu số 115 đều được tổng đài viên xử lý như nhau. Tuy nhiên, các cuộc gọi không rõ nội dung sẽ không được kích hoạt xử trí. Nhiều trường hợp trong số này là say xỉn, hoặc gọi để chọc phá, tâm sự… gây không ít áp lực, bức xúc cho các nhân viên y tế.

“Số cuộc gọi không rõ nội dung chiếm lưu lượng lớn khiến khối lượng công việc của người tiếp nhận rất nhiều, gây lãng phí không ít thời gian, ảnh hưởng đến những cuộc gọi cần cấp cứu thật sự đang chờ”, ông nói.

Tổng đài viên Phạm Thị Nọ (33 tuổi) kể về các ca báo cấp cứu 'giả'

VIDEO 115
 
 

Trong 33 lý do yêu cầu cấp cứu, tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ lớn nhất (20,14%), sau đó là rối loạn tri giác (13,41%) và khó thở (13,1%)... Việc xác định tình trạng bệnh và các triệu chứng thông qua tin báo của người dân là cơ sở quan trọng nhất để các tổng đài viên tiến hành phân loại bệnh nhân theo ba mức độ.

Đỏ là nguy cấp nhất, đe doạ tính mạng, đòi hỏi cấp cứu xuất xe ngay, như ngưng tim, đột quỵ, tai nạn thương tích nặng. Vàng là trường hợp cấp cứu cần đến nơi sớm, nhưng chưa phải ưu tiên tuyệt đối, như sốt cao liên tục, đau bụng dữ dội… Còn xanh là tình trạng cần hỗ trợ y tế, nhưng có thể chờ tư vấn qua điện thoại hoặc hướng dẫn tự đi khám.

Tuy nhiên thực tế, người báo tin không phải lúc nào cũng có đầy đủ thông tin về bệnh nhân, hoặc biết cách cung cấp cho tổng đài viên. Hầu hết cuộc gọi thường chỉ báo địa chỉ và tình trạng, đòi hỏi cấp cứu có mặt ngay. Trong khi, việc thiếu thông tin ban đầu về người bệnh sẽ gây khó khăn trong phân loại, chưa kể ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị cả thiết bị lẫn chuyên môn của kíp cấp cứu.

Tips
Thông tin cơ bản cần cung cấp khi gọi 115
  • Cung cấp chính xác địa chỉ/địa điểm
  • Tình trạng bệnh nhân: Tỉnh/bất tỉnh, thở/không thở, chảy máu, co giật, bệnh nền (nếu có)...
  • Thời điểm xảy ra vụ việc
  • Nguyên nhân (tai nạn giao thông, đột quỵ...)
  • Cung cấp thông tin người hỗ trợ tại hiện trường
Dựa trên phân loại này, tổng đài viên sẽ rà soát mạng lưới 45 trạm cấp cứu vệ tinh khắp thành phố để xác định nơi gần hiện trường nhất trong bán kính 3 km. Nếu hai trạm vệ tinh liên tiếp không thể nhận, Trung tâm 115 sẽ trực tiếp điều xe. Riêng trường hợp nghiêm trọng như cháy nổ hoặc có từ ba nạn nhân trở lên, xe từ trung tâm được điều đi ngay lập tức.

Thời gian tiếp cận hiện trường của kíp cấp cứu thường trong khoảng 12 phút. Nhanh nhất là 5 phút và dài nhất có thể lên tới 155 phút, theo số liệu của Trung tâm 115. Nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ thường do tắc đường hoặc khoảng cách xa giữa trạm cấp cứu và vị trí bệnh nhân.

Từ chỗ chỉ có 5 xe cứu thương, sau hơn 10 năm, Trung tâm 115 TP HCM phát triển thành mạng lưới gồm 45 trạm vệ tinh với 114 xe - lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ xe cứu thương trên 50.000 dân của TP HCM trước sáp nhập chỉ bằng một nửa so với tỷ lệ khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho nước thu nhập trung bình và thấp - 0,55 so với 1 xe trên mỗi 50.000 dân.

Dù số lượng xe lớn, vùng Đông Nam Bộ, trong đó có TP HCM, hiện là khu vực có tỷ lệ xe cứu thương trên 50.000 dân thấp nhất nước, theo Nghiên cứu xây dựng và đánh giá hiệu quả mô hình cấp cứu trước bệnh viện do thiếu tướng, thầy thuốc nhân dân, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn làm chủ nhiệm.

Theo bác sĩ Long, đặc thù của Việt Nam chưa có xe cấp cứu chuyên dụng, mà đều là xe 16 chỗ được hoán cải thành các khoang, buồng chứa, và lắp đặt thêm thiết bị phục vụ mục đích cấp cứu. Với xe chuyên dụng, thiết bị cấp cứu được gắn mặc định nhờ có hệ thống điện sạc và đảm bảo nhiệt độ bảo quản phù hợp. Trong khi đó tại Việt Nam, nhân viên y tế phải sạc và lưu trữ thiết bị ở ngoài xe. Mỗi chuyến cấp cứu, họ luôn phải mất vài phút chuẩn bị và mang theo một vali hoặc balo thiết bị khoảng 10 kg.

“Dù không ảnh hưởng nhiều đến thời gian vàng cấp cứu, việc này khiến lực lượng y tế vất vả hơn bởi phải luôn ghi nhớ và mang vác đầy đủ thiết bị lên xe”, bác sĩ Long nói.

Ước tính 60% xe cấp cứu có đủ 5 nhóm trang thiết bị thiết yếu đáp ứng quy định của Bộ Y tế, theo Nghiên cứu xây dựng và đánh giá hiệu quả mô hình cấp cứu trước bệnh viện.

Số còn lại đáp ứng từ 69,5% đến 90,5%. Trong đó, thiết bị cấp cứu tim mạch là nhóm bị thiếu nhiều nhất trên xe cứu thương.

Quá trình tiếp cận nạn nhân phụ thuộc nhiều vào tình trạng giao thông, cơ sở hạ tầng và số trạm cấp cứu của từng thành phố. Theo bác sĩ Nguyễn Duy Long, kíp cấp cứu thường gặp rất nhiều biến số trong quá trình này, điển hình như tắc đường; khó xác định vị trí bệnh nhân…

Trường hợp bệnh nhân rất nguy kịch mà nhân viên y tế chưa tới kịp, tổng đài viên sẽ hướng dẫn người tại hiện trường sơ cấp cứu từ xa (ép tim ngoài lồng ngực, thổi ngạt). Gần 1.500 trường hợp ngưng tim được sơ cứu qua điện thoại, tỷ lệ hồi sinh tim phổi thành công tăng 11%, theo Trung tâm 115.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, số trường hợp được hồi sức tim phổi từ người xung quanh vẫn khiêm tốn. Phân tích trên 239 ca ngừng tim ngoại viện cho thấy trong tổng số 71% ca có người chứng kiến, chỉ 8,4% được người xung quanh hồi sức, theo nghiên cứu năm 2021 của PGS.TS.BS Đỗ Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội), và cộng sự đăng trên Tạp chí Y học Úc.

Khi đến hiện trường, đội cấp cứu ngoại viện thực hiện can thiệp y tế ban đầu như hồi sức tim phổi, cầm máu, cố định xương gãy, cung cấp oxy… để tình trạng bệnh nhân không chuyển xấu trên đường vận chuyển.

“Cấp cứu ngoại viện phải chiến đấu ở môi trường rất khác. Trong bệnh viện là môi trường có sự chuẩn bị sẵn và sự hỗ trợ từ hệ thống xét nghiệm, hội chẩn cùng đồng nghiệp, còn ngoại viện tác nghiệp ở mọi bối cảnh: bên vệ đường, dưới trời mưa, trong hẻm sâu…”, Giám đốc Trung tâm 115 Nguyễn Duy Long nói về những rào cản của cấp cứu ngoại viện.

Sau khi sơ cứu ban đầu, kíp cấp cứu sẽ vận chuyển nạn nhân đến bệnh viện dựa trên 3 yếu tố: khoảng cách, khả năng điều trị, và mong muốn của người nhà. Trường hợp bệnh viện đầu tiên không nhận bệnh, bác sĩ sẽ liên hệ với tổng đài 115 để điều phối bệnh viện khác.

Thời gian từ hiện trường đến bệnh viện dao động từ 20 đến 32 phút, theo thống kê năm 2023 của Trung tâm Cấp cứu 115.

Bệnh nhân tới bệnh viện sẽ được phân loại theo ưu tiên giảm dần dựa trên mức độ đe dọa mạng sống, gồm: đe dọa ngay lập tức; sắp đe dọa; có khả năng đe dọa; và có thể nghiêm trọng. Bệnh nhân nguy kịch, như cần thở máy, ngưng tuần hoàn, được đưa thẳng vào phòng hồi sức. Các bệnh nhân khác được thăm khám, thực hiện xét nghiệm lâm sàng và lên phương án điều trị.

Việc phân loại là bước bắt buộc để đảm bảo nguồn lực y tế được sử dụng hiệu quả nhất bởi lượng bệnh nhân đến cấp cứu tại bệnh viện thay đổi theo thời điểm và khó dự đoán. Theo Sở Y tế TP HCM, một khoa cấp cứu bị quá tải lên đến 140% công suất có nguy cơ bỏ sót bệnh nhân và sai sót.

"Giờ vàng" điều trị theo thang phân loại mức độ cấp cứu của Bộ Y tế

*Theo Thông tư 32/2023/TT-BYT quy định chi tiết Luật khám, chữa bệnh

BS Nguyễn Duy Long đánh giá, nhu cầu cấp cứu tại các đô thị lớn như TP HCM sẽ ngày càng tăng do xu hướng già hoá dân số. Cùng với đó, thống kê mô hình bệnh tật từ các bệnh viện cho thấy nhóm bệnh đột quỵ, tim mạch có khuynh hướng tăng, đòi hỏi thời gian đáp ứng phải ngày càng nhanh hơn, lý tưởng là dưới 8 phút - theo khuyến nghị quốc tế. Điều này cho thấy TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn cần tiếp tục cải thiện mô hình để kéo giảm “giờ vàng” cấp cứu.

Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước Nghiên cứu xây dựng và đánh giá hiệu quả mô hình cấp cứu trước bệnh viện, cho rằng khi cấp cứu cho các ca bệnh nguy kịch, vai trò của của cộng đồng trong sơ cứu ban đầu rất quan trọng. Tuy nhiên, hiểu biết về cấp cứu cơ bản trong cộng đồng còn thấp.

Chuyên gia cho rằng để giảm áp lực cho đội ngũ y tế, Việt Nam nên triển khai mô hình tình nguyện viên cấp cứu mà nhiều nước áp dụng. Mạng lưới tài xế xe công nghệ đông đảo tại các đô thị có thể là những tình nguyện viên tiềm năng.

Trung tâm Cấp cứu 115 hoặc các cơ sở y tế đầu ngành sẽ là đầu mối tập huấn, kết nối những người này thông qua một ứng dụng trực tuyến. Khi có ca cần xử lý, người điều phối liên hệ tình nguyện viên gần nhất, song song với cử xe cứu thương. Nhờ đó, thời gian tiếp cận ban đầu được rút ngắn, đồng thời tỷ lệ hồi sức đúng kỹ thuật cao hơn, chất lượng cấp cứu tốt hơn.

Bên trong khoa cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân 115. Ảnh: Khương Nguyễn

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo kỹ năng cho các tình nguyện viên này, bởi cấp cứu ngoại viện sai có thể làm trầm trọng thêm tổn thương, thậm chí nguy cơ mất thời gian vàng, ảnh hưởng tới cơ hội sống của chính người bệnh. Có trường hợp ngừng tuần hoàn, dù được bệnh viện tuyến dưới sơ cứu tim đập trở lại, nhưng gặp biến chứng như gãy xương sườn, tràn khí màng phổi. Do đó, các khóa đào tạo cấp cứu trước viện cho nhân viên y tế do Bệnh viện Quân y 175 tổ chức từ năm 2022 đã mở rộng cho cả người dân tại các khu dân cư.

Để cải thiện tình hình, PGS.TS.BS Đỗ Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội), đề xuất nên đưa chương trình giáo dục kỹ năng cấp cứu căn bản vào đào tạo từ cấp phổ thông và giảng dạy trong cộng đồng.

Song song đó, chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng luật người tốt (hay còn gọi là luật Good Samaritan), mục đích bảo vệ những người giúp đỡ người khác gặp nạn. Kể cả không may lỡ tay gây thiệt hại cho nạn nhân vẫn được miễn trách nhiệm, không sợ bị kiện tụng. Thực tế, không ít trường hợp, sau khi giúp đỡ người bị nạn, chính người giúp lại bị người nhà hiểu lầm và đuổi đánh. Điều đó khiến người dân dần có tâm lý e ngại, muốn giúp nhưng lo cho sự an toàn của mình.

“Không một hệ thống cấp cứu 115 nào trên thế giới tồn tại nếu như người dân không biết cách để cấp cứu cho nhau”, PGS.TS.BS Đỗ Ngọc Sơn bình luận.

Nội dung: Phùng Tiên - Mây Trinh - Lê Phương

Đồ họa: Tâm Thảo - Khánh Hoàng - Thanh Hạ

Video: Bảo Quyên - Hoàng Việt

Bài 1: Đằng sau cuộc gọi cấp cứu

Bài 2: Cấp cứu trong vòng vây áp lực

Bài 3: Nhân viên y tế 115: 'Chúng tôi không phải người vận chuyển'

Bài 4: Đường gạch mờ nối hai đầu cấp cứu

Tài liệu tham khảo:

- Báo cáo tóm tắt Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 (2023), Bộ Y Tế

- Emergency Medical Services Response Time and Mortality in an Urban Setting (2012), Ian E. Blanchard và cộng sự

- Ambulance service response times (2025), Katherine Garratt và cộng sự

- Strengthening the Capacity of Emergency Medical Services in Low and Middle Income Countries using

- Dispatcher-Coordinated Taxis (2021), Vipul Mishra và cộng sự

- Outcomes for out-of-hospital cardiac arrest transported to emergency departments in Hanoi, Vietnam: A multi- centre observational study (2021), PGS.TS.BS Đỗ Ngọc Sơn và cộng sự

- Tài liệu đào tạo cấp cứu cơ bản (2014), Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế

 
Kéo xuống để xem tiếp