Trong bữa cơm Tết ở một vùng quê, sau khi nâng ly rượu nồng chúc nhau sức khỏe, mấy bố con tôi nói chuyện vui về các chủ đề ngày đầu năm. Trong câu chuyện, bố tôi có đề cập đến các món ăn mang hương vị ngày Tết và nhắc "yêu" các cháu rằng: "Thưởng thức các món ăn ngày Tết thì nên ăn mỗi thứ một chút, chứ không chỉ tập trung một món mà mình thích".
Tôi hiểu hàm ý của ông là muốn các cháu hiểu rằng trong mỗi món ăn ngày Tết đều chứa đựng nguồn gốc và ý nghĩa của nó. Ví như món bánh chưng thì phải đi với dưa hành, vì xét về mặt dinh dưỡng, bánh chưng có đầy đủ bốn nhóm thực phẩm, nguyên liệu bao gồm: gạo nếp, đỗ xanh, thịt mỡ lợn và hạt tiêu... Mặt khác, bánh chưng được làm từ gạo nếp, khó tiêu, chính vì vậy, khi ăn với dưa hành sẽ kích thích tiêu hóa, giúp cho chúng ta không bị đầy bụng.
Còn với tôi, trong tâm thức người Việt, bánh chưng có hình vuông, tượng trưng cho đất, biểu trưng của nền văn minh lúa nước, sản phẩm của trồng trọt và chăn nuôi. Bên ngoài bánh là chiếc lá dong dùng để gói, bên trong là các nguyên liệu từ sản phẩm được làm ra từ quá trình trồng trọt, chăn nuôi của người nông dân. Đây là thành quả lao động của con người, được hòa quyện một cách tinh tế, hài hòa trong chiếc bánh chưng được cô đọng trong câu ca dao: "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh".
Nghe bố tôi nói vậy, các anh tôi có phần cho rằng bố hơi khắt khe với các cháu, bởi giờ mọi thứ đã khác xưa nên thích gì thì ăn nấy. Còn với tôi, nếu là bữa cơm ngày thường thì cũng không có gì đáng bàn lắm, nhưng đây lại là bữa cơm ngày Tết, bữa cơm của sự đoàn viên, là nơi giao thoa giữa các thế hệ sống ở những thời điểm khác nhau, văn hóa vùng miền khác nhau, nên nó không thuần túy chỉ là bữa cơm, mà trong đó nó ẩn chứa cả sự giáo dục và sự lan tỏa phong tục cũng như tập quán ẩm thực vùng miền.
Bắt đầu từ chủ đề trên, tôi thấy câu chuyện đã được đẩy đi xa hơn, một bên là bố tôi năm nay đã gần 80 tuổi, bên kia là các anh tôi - những người được "va chạm" ẩm thực của các vùng miền nhiều qua các bữa ăn tại nhà hàng, quán xá trong các chuyến công tác hay đi du lịch. Tôi hiểu ở tuổi của bố, ông sẽ luôn bảo vệ quan điểm nhất quán rằng ăn ở đâu cũng không ngon bằng ở nhà nấu, còn các anh tôi có vẻ phản đối kịch kiệt khi cho rằng nhà hàng thì họ phải nấu ngon hơn là điều không phải bàn cãi vì có nơi bếp trưởng hưởng mức lương lên đến hàng ngàn đôla mỗi tháng.
>> 'Ba ngày đi chúc Tết không được ai mời ở lại dùng bữa'
Thực ra, tôi thấy quan điểm của cả hai thế hệ đều không sai, nhưng tiếc rằng các anh tôi lại không hiểu hết ý bố nói trong bối cảnh bữa cơm ngày Tết ở quê. Ý của bố là nói đến tâm thức ăn uống của người Việt ngày Tết, còn các anh ít nhiều đã bị cuộc sống công nghiệp hóa thổi bay các tiềm thức và hoài niệm về vùng quê đã sinh ra mình khi cứ thấy gì tiện ích thì coi đó là ngon, bổ. Thế là hai thế hệ đã không tìm được điểm chung trong bữa cơm đoàn viên.
Đến khi xới cơm, thấy nồi đầy, bố nói: "Bố nấu thêm một bò gạo vì sợ các cháu đông, thôi đầu xuân thừa còn hơn thiếu, cho cả năm may mắn". Tôi thấy một trong các anh mình cười ồ lên rằng: "Sao ông bà còn lo cái đó vì giờ có ai ăn nhiều cơm đâu?". Tôi không nói gì, lòng lặng đi vì hiểu ý của bố là mong sao năm mới con cháu no đủ, nhưng các anh - những người đã ở tuổi trung niên, lại là dân văn phòng, ít vận động, nên không khỏi tránh căn bệnh của thời đại như tiểu đường, mỡ máu lại tránh ăn nhiều cơm vì trong đó chứa nhiều tinh bột gây tăng glucose, cholesterol, triglycerid... trong máu.
Khi bữa cơm kết thúc, tôi đứng dậy, không thể hiểu nổi là tại sao đã ở tuổi 50, ăn bao nhiêu cái Tết ở nơi quê nhà kể từ khi thoát ly, mà sao bữa cơm mùng Hai Tết năm nay lại khó lý giải đến vậy? Phải chăng đây là "điểm nghẽn" trong sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại; giữa các thế hệ người Việt trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội; giữa một bên là ông bà, bố mẹ - những người được sinh ra và lớn lên gắn liền với các phong tục tập quán làng quê, còn bên kia là thế hệ như chúng tôi và con cái chúng tôi - những người được sinh ra hoặc không được sinh ra từ quê hương nhưng lại có mối quan hệ "máu mủ" với quê hương?
Thiết nghĩ, trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội vươn mình vào kỷ nguyên mới thì sự nghiệp phát triển văn hóa phải luôn được quan tâm. Trong đó, chấn hưng văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm khơi dậy, kế thừa các truyền thống tốt đẹp của ông cha ta tạo động lực cho khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa. Vì suy cho cùng nguồn lực con người vẫn luôn giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Mà khoảng 90% nguồn lực đó có nguồn gốc từ các vùng quê trên mọi miền của đất nước.
- Tôi không phiền khi cả họ kéo ra sân bay đón một Việt kiều về ăn Tết
- Tiền ăn chỉ 2 triệu một tháng nên tôi không sợ Tết
- 'Cả nhà đi xe 45 chỗ ra sân bay đón một Việt kiều về nước ăn Tết'
- Tôi 'nghỉ Tết' chứ không 'ăn Tết'
- Tôi đáp trả những câu hỏi vô duyên ngày Tết của nhà chồng
- Ba ngày Tết ở nhà vợ như tra tấn
- Bắt tội nhau vì nồi thịt kho hột vịt ngày Tết không ai ăn