Kết quả đo vận động thực quản tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho thấy bà Hiền mắc bệnh co thắt tâm vị điển hình. Đây là tình trạng cơ vòng thực quản dưới không mở ra khi nuốt, làm thức ăn và nước uống ứ đọng tại thực quản.
30 năm trước bà Hiền bị bỏng nặng khiến các cơ vùng cổ họng và thực quản xơ hóa, co cứng nên động tác hỗ trợ nuốt kém hiệu quả, theo ThS.BS Đào Trần Tiến, Phó khoa Tiêu hóa. Khi khả năng tự điều chỉnh giảm dần, thức ăn và nước dễ ứ đọng tại thực quản khiến bà Hiền khó chịu, mất khả năng ăn uống qua đường miệng, phải sống nhờ ống thông dạ dày để duy trì dinh dưỡng.
Khi đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khám, bà Hiền nặng 25 kg, chỉ số khối cơ thể (BMI) 12 - tức thiếu cân nguy hiểm. Bác sĩ Tiến cho rằng tình trạng này kéo dài có thể khiến thực quản giãn hơn, biến dạng, thức ăn và dịch ứ đọng gây viêm phổi hít tái diễn.
Phương pháp nong thực quản bằng bóng là lựa chọn phổ biến điều trị bệnh này. Tuy nhiên với bà Hiền, phương pháp này có thể hiệu quả thấp vì thực quản đã giãn lớn tiềm ẩn nguy cơ rách nếu không kiểm soát tốt áp lực. Mổ mở có thể xử lý triệt để nhưng bệnh nhân suy kiệt nặng, phương pháp này lại rất phức tạp, xâm lấn nhiều, nguy cơ biến chứng cao và khả năng phục hồi kém.
Sau hội chẩn, êkíp chọn phương pháp cắt cơ thực quản qua nội soi đường miệng (POEM) do ít xâm lấn, phục hồi nhanh, cho phép kiểm soát chính xác độ sâu, phạm vi cắt qua hình ảnh nội soi, hạn chế biến chứng, phù hợp với bệnh nhân thể trạng yếu và thực quản biến dạng. Song êkíp đánh giá thực hiện POEM trên bệnh nhân suy kiệt nặng như bà Hiền rất khó bởi các lớp cơ và mô mỡ toàn thân đều teo mỏng, tăng nguy cơ chảy máu, thủng thực quản, nguy cơ rách cơ khi can thiệp có thể dẫn đến viêm trung thất hoặc viêm phúc mạc. Đồng thời, thực quản bệnh nhân giãn lớn như một cái túi khiến các bác sĩ xác định hướng can thiệp khó khăn.

Êkíp nội soi cắt cơ thực quản điều trị bệnh lý co thắt tâm vị cho bà Hiền. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Êkíp sử dụng hệ thống dây dẫn định vị và quan sát đường đi trong đường hầm nội soi để định vị chính xác vị trí cắt cơ. Do thành cơ mỏng và yếu, bác sĩ phải cắt từng lớp cơ nhỏ, tránh cắt rộng hoặc quá sâu gây biến chứng. Ở vị trí tâm vị, các bác sĩ cũng tính toán cắt vừa đủ để giải phóng co thắt nhưng hạn chế nguy cơ trào ngược dạ dày sau can thiệp.
Hậu can thiệp, vùng tâm vị từng co thắt đã mở rộng rõ, không còn ứ đọng thức ăn hay dịch ở thực quản. Sau hai giờ, bà Hiền đã có thể uống nước gần như bình thường, ăn được cháo loãng trong ngày đầu, ngày thứ hai đã có thể ăn phở, ngày thứ ba dùng được các loại thức ăn mềm.

Bà Hiền có thể ăn uống bình thường sau điều trị. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bà Hiền có thể ăn uống bình thường nhưng cần hạn chế đồ cay, chua, chất kích thích như rượu, bia, cà phê, đồ uống có ga để phòng nguy cơ trào ngược. Sau can thiệp, bà không nên ăn quá no. Thời gian đầu chỉ nên ăn khoảng 70% nhu cầu mỗi bữa để dạ dày và thực quản có thời gian thích nghi, tránh đầy bụng, khó tiêu. Ưu tiên các thực phẩm giàu đạm, sữa, chất dinh dưỡng dễ hấp thu để nhanh, phục hồi thể trạng.
Co thắt tâm vị là bệnh rối loạn vận động thực quản, thường diễn tiến âm thầm và tiến triển chậm. Bệnh khó chẩn đoán ở giai đoạn sớm, dễ nhầm lẫn trào ngược dạ dày thực quản, ung thư thực quản... Bác sĩ Tiến khuyến cáo người có triệu chứng nuốt nghẹn kéo dài, sụt cân không rõ nguyên nhân hoặc nôn trớ thức ăn cũ nên đi khám chuyên khoa tiêu hóa sớm, đo áp lực thực quản giúp xác định co thắt tâm vị và phân biệt với các rối loạn vận động khác.
Ly Nguyễn
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |