Trả lời:
Nhiều người cho rằng người có dái tai dài (tai Phật) là "tai tài lộc" sẽ thuận lợi, may mắn, nhất là trong kinh doanh, buôn bán. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng khoa học chứng minh điều này.
Trong ngành Da liễu - Thẩm mỹ da, phương pháp tiêm tai được chỉ định trong các trường hợp bất thường về tai như dái tai bị lão hóa, chảy xệ, nhiều nếp gấp hay mô tai bị mất thể tích và khả năng nâng đỡ (dái tai dài ra hoặc rũ xuống).
Nếu bạn có nhu cầu làm đầy dái tai nên tới cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu, thẩm mỹ da để được khám, tư vấn và thực hiện nhằm đảm bảo an toàn. Filler được sử dụng phải chính hãng, chứng nhận bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) nhằm tránh nguy cơ viêm nhiễm, không tan, u hạt, filler tràn ra hay tiêm phải filler giả (silicon hay mỡ sinh học).
![Tai của một nam giới trước và sau (bên phải) khi tiêm filler vào dái tai. Ảnh minh họa: Du Nguyên](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/01/22/AB-1737523888-5137-1737523933.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0EtrzbS2_PS3hyLLRCbggw)
Tai của một nam giới trước và sau (bên phải) khi tiêm filler vào dái tai. Ảnh minh họa: Du Nguyên
Rủi ro, biến chứng có thể xảy ra khi tiêm tai do cơ sở thẩm mỹ không đáp ứng các nguyên tắc về vô trùng, người thực hiện tiêm filler không đủ chuyên môn, kiến thức thực hành dẫn đến sai kỹ thuật. Với tai có nhiều mao mạch nhỏ dễ bị chảy máu, bầm tím, nếu tiêm quá nhiều filler hoặc tiêm nhầm vào mạch máu có thể gây tắc mạch máu, hoại tử, để lại sẹo không thể hồi phục về hình dạng ban đầu... Sản phẩm filler không rõ thành phần và nguồn gốc, không được bảo quản đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất cũng dễ gây biến chứng.
ThS.BS Vũ Thị Thùy Trang
Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu - thẩm mỹ da tại đây để bác sĩ giải đáp |