Trong chuyến du lịch Hà Giang mới đây, tôi lại tiếp tục bắt gặp những thứ nhếch nhác, nhưng không phải gây nên bởi người bản địa, mà là từ chính những vị khách du lịch người Việt. Điều này đã luôn làm tôi bận lòng trong nhiều chuyến du lịch khác (cả dạng du lịch điểm đến hay trekking leo núi).
Hình ảnh những chiếc cốc giấy bị vứt vô tội vạ ở mỗi điểm check-in (mặc dù thùng rác là thứ không khó để kiếm) khiến tôi tin rằng tư tưởng "mất tiền mua mâm thì cứ đâm cho thủng" hay đơn giản là ý thức cộng đồng kém là một vấn đề chẳng biết bao giờ mới giải quyết được?
Khi nhìn vào các khách du lịch phương Tây, cách họ tự tìm kiếm cộng đồng để trao đổi thông tin, tự lên lịch trình, tự tìm kiếm hướng dẫn viên bản địa, và chìm đắm vào khám phá những địa điểm, tôi thấy rằng ý nghĩa của những chuyến đi của họ đang rất khác với người Việt. Ở họ, tôi thấy những chuyến đi đem lại nhiều trải nghiệm và kiến thức hơn nhiều. Còn người Việt ta vẫn đang loay hoay học cách đi du lịch.
Trong dòng người tới một điểm đến nào đó, rất hiếm để thấy ai đó dừng lại thật lâu, tìm hiểu thông tin về nó, mà phần lớn chỉ tranh thủ chụp ảnh check-in đánh dấu "tôi đã ở đây" rồi về. Là một người chụp hình chuyên nghiệp, đôi khi tôi phải mang tâm trạng rất nặng nề khi chỉ được xem là một vật đính kèm, có nhiệm vụ chụp ảnh cho các vị khách "sống ảo". Cảm giác như tôi đang bị lợi dụng và không được trân trọng.
Có thể nói, việc đi du lịch trong nước hiện nay khá dễ dàng và không tốn kém, giúp cho người Việt không mấy khó khăn để tìm tới các điểm đến nổi tiếng. Nhưng nó vô tình tạo ra một sự không tương xứng trong cách người ta trân trọng trải nghiệm du lịch.
>> Cô gái Việt 'trồng cây chuối' yoga trước cung điện Hàn Quốc
Hôm nay trong lúc đi vệ sinh, tôi còn tình cờ nghe được một cặp đôi du khách lớn tiếng trao đổi ở ngoài: "Đi vệ sinh ở đây mất tiền đấy". Chính cái tâm lý ích kỷ và đòi dùng miễn phí cũng một phần khiến những dịch vụ công cộng thiếu chi phí duy trì để trở nên khang trang, sạch đẹp hơn.
Các bạn đi cột cờ Lũng Cú để thể hiện lòng yêu tổ quốc, thế mà những sự ủng hộ nhỏ bé nhất hay những hành động đẹp nhất để xây dựng hình ảnh đất nước lại chẳng thể làm được. Hãy tưởng tượng 5.000 đồng mà bạn ủng hộ vào chiếc thùng trước cửa phòng vệ sinh sẽ đem lại một bộ mặt mới sáng sủa và thơm tho hơn. Chính những điều đó sẽ để lại ấn tượng với du khách, làm đẹp hơn hình ảnh Việt Nam trong lòng chính chúng ta, và bạn bè quốc tế.
Cũng thật may, có một trải nghiệm khác khiến tôi lạc quan hơn nhiều trong chuyến Hà Giang này. Đó là việc được trò chuyện cùng một gia đình nọ trong lúc ăn trưa. Họ là một gia đình đoàn kết và đã kể nhiều câu chuyện lịch sử, cũng như các giai thoại về Lũng Cú nói riêng và Hà Giang nói chung, bằng niềm say mê và sự hiểu biết. Chỉ một cuộc trò chuyện ngắn vậy là tôi đã dễ dàng đoán được họ là những người trí thức, yêu tri thức rồi.
Thử hỏi, khi đi du lịch, bạn có đang làm giàu thêm cho tri thức và trải nghiệm của mình không? Hay bạn chỉ đang đánh dấu một điểm đến với vô vàn những tấm hình check-in "sống ảo" trên mạng, để rồi theo thời gian nó sẽ không còn được nhớ đến?
- 'Hà Nội thiếu điểm check-in sống ảo cho du khách'
- Chuyến du lịch mất vui sau 5 năm quay lại Sa Pa
- Từ háo hức thành khó chịu sau hơn 20 năm quay lại Sa Pa
- 'Sa Pa nhạt nhòa khi du lịch phong cách Tây Tạng'
- 'Nữ hoàng băng giá' biến Sa Pa thành nồi lẩu
- 'Sa Pa, Đà Lạt nham nhở vì du lịch mỳ ăn liền'