Câu chuyện của cô em họ tôi là một lát cắt trong bức tranh nhiều màu sắc về đời sống giáo viên. Từ nhỏ, em đã mơ làm cô giáo nên học sư phạm. Lúc mới ra trường, lương theo bậc chỉ hơn hai triệu đồng, số tiền "còn không đủ mua mỹ phẩm", nhưng em vẫn vui vẻ với nghề.
Vì sao? Vì em dạy ở quê, không tốn tiền nhà, không lo chi phí sinh hoạt, được gia đình hỗ trợ. Khi lấy chồng, em được chia 10 mẫu ruộng, chỉ việc cho thuê cũng đủ sống dư dả. Vậy nên, dù chồng khuyên nghỉ dạy vì "vất vả, lương thấp", em vẫn bám trụ vì "yêu nghề".
Nhưng không phải ai cũng có hoàn cảnh như em tôi. Có những giáo viên từ xa về trường công tác, lương thấp, tiền thuê nhà, sinh hoạt đắt đỏ, có nơi trường còn phải rào một miếng đất làm nhà tập thể bằng tôn cho các thầy cô trẻ ở tạm. Để trang trải, họ phải tìm cách dạy thêm.
Trong khi đó, phụ huynh cũng có nhu cầu gửi con học ngoài giờ, nhất là ở các khu công nghiệp, công nhân tan ca muộn, con họ cần nơi học và trông giữ. Thế là chuyện dạy thêm - học thêm trở thành một vòng tròn.
Không thể phủ nhận, có những giáo viên dạy thêm vì tâm huyết, muốn học sinh khá lên. Nhưng cũng có những người xem đây là cách để cải thiện thu nhập. Chúng ta vẫn kêu ca giáo viên lương thấp, nhưng lại phê phán họ dạy thêm. Vậy giáo viên lấy gì để sống nếu chỉ trông chờ vào đồng lương hạn chế?
Ai cũng có nhu cầu tài chính, như bao nghề khác, có lương thì có "lậu". Người mua hàng cho công ty, nếu đơn vị cung cấp không chi hoa hồng, lần sau họ có mua nữa không?
Vấn đề không nằm ở chuyện dạy thêm có nên hay không, mà ở việc dạy thêm đang tồn tại thế nào. Nếu giáo viên lạm dụng, ép học sinh học thêm mới có điểm cao, đó là điều đáng lên án. Nhưng nếu dạy thêm là nhu cầu đôi bên - giáo viên muốn có thêm thu nhập, học sinh cần trau dồi kiến thức - thì có gì sai?
Quan trọng là phải có một cơ chế quản lý minh bạch, không để việc dạy thêm trở thành gánh nặng cho phụ huynh.
Chúng ta có thể làm gì? Tăng lương giáo viên là điều ai cũng mong muốn, nhưng quỹ lương có giới hạn. Vậy thì có thể cân nhắc mô hình dạy thêm hợp pháp, trường học tổ chức, giáo viên có thu nhập chính đáng, phụ huynh minh bạch về chi phí.
Không phải ai cũng có thể yêu nghề mà không cần lo lương như cô em họ của tôi. Vậy nên, hãy nhìn nhận thực tế rằng giáo viên cũng là một nghề, và họ cũng cần được sống và kiếm thêm thu nhập bằng chính công việc của mình.
Thanh Hoàng