Trả lời:
Chụp nhũ ảnh là phương pháp chính để tầm soát ung thư vú, có tỷ lệ chính xác cao, không xâm lấn, ít tốn kém.
Phụ nữ đã đặt túi ngực vẫn có thể chụp nhũ ảnh để sàng lọc. Bạn nên thông báo với kỹ thuật viên để chọn tư thế và lực ép phù hợp. Bác sĩ khám và siêu âm để kiểm tra sự toàn vẹn của túi ngực trước khi chỉ định bệnh nhân chụp nhũ ảnh.
Chụp nhũ ảnh sàng lọc cho phụ nữ không đặt túi ngực gồm hai tư thế chếch từ góc trong phía trên xuống (chụp chếch bên) và tư thế đầu đuôi (chụp từ trên xuống dưới).
Với phụ nữ có đặt túi ngực, kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh áp dụng kỹ thuật đẩy túi ngực ra sau khỏi hai bản ép vú (kỹ thuật Eklund) để túi ngực không chịu tác động của lực ép.
![Người bệnh chụp nhũ ảnh tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Nguyễn Trăm](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2023/10/24/nhu-anh-6568-1698159190.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lcxtkT87-_NdSKBYAb-Pmg)
Người bệnh chụp nhũ ảnh tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Nguyễn Trăm
Phụ nữ được cắt bỏ tuyến vú để điều trị ung thư vú và tái tạo bằng túi ngực không cần chụp nhũ ảnh. Bác sĩ chỉ định chụp nhũ ảnh đối bên để xem có tổn thương ác tính không. Một số ít trường hợp khi đoạn nhũ, người bệnh được để lại quầng ngực, nhũ hoa, bác sĩ có thể lo ngại còn mô vú phía sau nên chỉ định chụp nhũ ảnh.
Để chụp nhũ ảnh, kỹ thuật viên đề nghị bạn thả lỏng cơ thể để hình ảnh có độ chính xác và rõ nét cao. Bạn có thể đau khi nén ngực trong máy chụp nhũ ảnh. Nếu quá đau, bạn có thể thông báo để điều chỉnh lực ép phù hợp hơn.
Bạn nên chụp nhũ ảnh vào một tuần sau khi hết kinh, khi nồng độ estrogen trong máu giảm xuống, tuyến vú bớt giữ nước và giảm căng, đỡ đau hơn.
Phụ nữ từ 40 tuổi nên chụp nhũ ảnh hàng năm. Phụ nữ thuộc nhóm có nguy cơ ung thư vú cao (tiền sử gia đình, khuynh hướng di truyền, mang gene đột biến gây tăng nguy cơ ung thư vú...) nên chụp nhũ ảnh ở tuổi sớm hơn. Phụ nữ từ 50 đến 74 tuổi nên sàng lọc 1-2 năm một lần.
Chụp nhũ ảnh chỉ đưa một liều bức xạ rất nhỏ tiếp xúc với ngực. Liều bức xạ này nằm trong mức an toàn ngay cả với phụ nữ mang thai mà không cần phải mang tạp dề có chì (khả năng chống lại các tia xạ, tia X-ray) để bảo vệ tử cung. Tuy nhiên, do tâm lý e ngại của bệnh nhân và nhân viên y tế nên chụp nhũ ảnh ít khi được chỉ định ở phụ nữ có thai.
Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Bá Tấn
Khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |