Ông bà ta sử dụng những cặp từ khi phát âm rất thuận miệng, êm tai nhưng ẩn chứa nhiều ý nghĩa nên mỗi chúng ta cần suy ngẫm, chẳng hạn như duyên nợ, nghề nghiệp...
Tại sao khi đề cập đến hôn nhân, đến đời sống vợ chồng, lại nói đó là duyên nợ? Tại sao không chỉ là duyên hoặc nợ mà cả hai? Có thể hiểu đơn giản, bởi hai người đến với nhau, bên cạnh cái duyên họ còn có cái “nợ” phải trả. Duyên là khi hai người chung sống, đem lại hạnh phúc, niềm vui cho nhau mang tính “tương xứng”, còn nợ là khi một bên “nhận” nhiều hơn là “cho”.
Tương tự như vậy, ngày nay chúng ta cũng hay dùng cụm từ nghề nghiệp. Nghề thì có thể ai cũng có thể hiểu, tạm giải thích nghề là thuật ngữ được sử dụng để chỉ một người dùng kỹ năng, kiến thức của mình để làm một việc (nghề) gì đó để có thu nhập.
Vậy còn nghiệp là gì? Có thể hiểu, nghiệp là một cái “nợ” mà chúng ta phải trả, nợ này không ai đòi, không có chủ nợ cụ thể mà chúng ta tự thấy bản thân phải có "nợ”, phải có trách nhiệm với xã hội, với công việc. Tức là bên cạnh làm việc để có thu nhập cho bản thân, cho gia đình, chúng ta còn có trách nhiệm đóng góp, “trả nợ” cho xã hội. Có thể tóm gọn, mục tiêu chính của nghề là kiếm tiền, của nghiệp là trả “nợ”.
Nghề nào cũng gắn liền với một cái nghiệp nhất định, nhưng ở đây người viết chỉ xin đề cập đến hai nghề mà “nghiệp” có thể nói là nặng nhất: nghề giáo và nghề y.
Đối với nghề giáo, đó chính xác là một nghề để kiếm tiền duy trì và nâng cao cuộc sống, nhưng mục tiêu chính của nghề giáo không phải là để kiếm tiền, mà đó là để trả “nghiệp”.
Nếu ai đã chọn nghề giáo mà nghĩ rằng do đồng lương không đủ sống (như thế nào là đủ?) mà nghĩ ra nhiều cách khác để kiếm thêm thu nhập một cách không chính đáng thì có lẽ họ đã hiểu sai về nghề giáo và đã chọn sai nghề. Bởi đối với giáo viên, trách nhiệm của họ rất lớn, những nghề khác làm sai có thể sẽ làm tổn hại đến một số người nhất định, nhưng đối với nghề giáo mà làm sai thì tổn hại đến rất nhiều thế hệ mà hậu quả có thể dẫn đến sự tồn vong của một đất nước.
Vì vậy, cái nghiệp của nghề giáo là rất lớn, chính vì thế mà xã hội đòi hỏi những người đứng trên bục giảng phải gương mẫu, vì sao? Vì ở trường học không chỉ dạy về kiến thức khoa học mà còn dạy về “đạo làm người”.
Một người nào đó đứng trên bục giảng, nói thao thao về đạo đức, dạy học viên phải làm thế này mới đúng, thế kia là sai, trong khi bản thân người đó làm những việc thiếu chuẩn mực đạo đức (như thế nào là chuẩn?) thì hiệu quả như thế nào?
Vì vậy, đối với những người đứng trên bục giảng đừng nghĩ đang “trả nợ” cho ai mà hãy nghĩ đang làm việc vì con cháu của chính họ, bởi vì trong chúng ta có muốn sau này con, cháu của mình hoặc chính bản thân mình khi đi học sẽ gặp những người giáo viên như vậy.
Chúng ta có muốn xã hội ngày càng đi xuống? Có lẽ là không, chúng ta sẽ muốn con cháu mình được học, được giảng dạy bởi những người có tài và có tâm, vậy một người có tài mà thiếu tâm thì hiệu quả công việc ra sao và liệu sẽ có bao nhiêu người vừa có tài vừa có tâm được đào tạo ra được bởi những người giáo viên như vậy, và xã hội sẽ dần đi về đâu?
![career5-fdb98-3764-1430880778.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/05/06/career5-fdb98-3764-1430880778.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8SM_sEZ0TO9Zvj8xanc3_w)
Khi nhắc đến nghề y, chúng ta thường đề cập đến yếu tố đầu tiên là trách nhiệm cứu người. “Lương y như từ mẫu”, nghĩa là bác sĩ khi cứu người thì cũng giống như “người mẹ” tận tâm, tận sức để cứu chữa cho “người con” của mình mà không hề bận tâm đến đứa con đó xấu hay đẹp, thông minh hay kém thông minh... tức là không quan tâm đến “điều kiện” của “người con”.
Bác sĩ cũng vậy, khi gặp người bệnh thì trong đầu chỉ có suy nghĩ làm sao để có thể cứu chữa cho bệnh nhân một cách tốt và hữu hiệu nhất mà không quan tâm về “năng lực tài chính” của bệnh nhân, bệnh nhân sẽ không được chữa trị nếu thiếu tiền?
Thêm vào đó, những người đến bệnh viện đã là những người kém may mắn và đa số là những người không thuộc dạng giàu có, như vậy, những bệnh nhân đó càng đáng được ưu tiên chăm sóc hơn những người có điều kiện khác.
Nhưng thực tế đôi khi có vẻ ngược lại, những thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh... chỉ được xảy ra khi con người đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để ứng phó? Không, đó là những thảm họa khó lường, nhưng cũng chính từ những thảm hoạ khó lường đó, thì lòng người lại có thể “lường” được.
Có lẽ bây giờ chúng ta cần xem lại cách sử dụng từ ngữ của người xưa để áp dụng vào thời đại của chúng ta cho chuẩn xác, nghề là nghề, nghiệp là nghiệp, nghề không thể đi chung với nghiệp. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?”
>> Xem thêm: 'Ăn tết xong, con ở lại quê lập nghiệp luôn bố mẹ nhé'
![]() |
Chia sẻ bài viết của bạn về cuộc sống tại đây.