Ở những nước phát triển và trải qua nền kinh tế thị trường lâu đời, có một thực tế rằng công chức không phải là nghề hấp dẫn nhất. Chẳng hạn trong bảng xếp hạng 12 công việc hấp dẫn nhất ở Mỹ, không có nghề công chức, mà là những việc chủ yếu phục vụ doanh nghiệp như phát triển phần mềm, chuyên gia nghiên cứu thị trường, đào tạo nhân lực, phân tích tài chính, phát triển web, tổ chức sự kiện…
Người Mỹ rất thực tế khi đưa ra bảng xếp hạng này dựa vào mức lương. Điều này rất dễ hiểu vì ở những quốc gia kinh tế thị trường thực thụ, người ta thích làm việc ở khu vực ngoài nhà nước hơn vì có thu nhập cao hơn.
Thật vậy, đó là triết lý nhà nước hữu hạn còn xã hội vô hạn. Cơ hội thu nhập ở khu vực tư bao giờ cũng nhiều hơn và không bị hạn chế như khu vực công. Từ triết lý kinh tế thị trường, công chức chỉ thuộc nhóm nghề bình thường.
Những người giỏi nhất trong xã hội không làm trong khu vực nhà nước mà ở khu vực dân doanh. Chẳng phải Bill Gates của Microsoft hay Steve Jobs của Apple vẫn là thần tượng toàn cầu của giới trẻ.
Ngược lại, những xã hội không có truyền thống kinh tế thị trường (như Việt Nam) rất coi trọng nghề công chức.
Thời phong kiến ở nước ta, công chức chính là đội ngũ quan lại tách biệt hẳn với dân thường và được hưởng nhiều bổng lộc, quyền lợi. Con đường tiến thân tốt nhất và gần như duy nhất thời đó là học hành, đỗ đạt để được làm quan.
Đến thời kinh tế bao cấp, khi kinh tế tư nhân gần như không có, khái niệm công việc gần như đồng nghĩa với làm cán bộ, công chức. Được tuyển vào làm trong khu vực nhà nước là niềm mơ ước và là bảo đảm cho sự ổn định cả đời. Thế mới có câu: “Cầm vàng còn sợ vàng rơi, tay cầm quyết định đời đời ấm no” (quyết định ở đây là quyết định tuyển dụng vào biên chế nhà nước).
Cho đến nay, mặc dù chúng ta đã đi theo kinh tế thị trường, quan niệm phong kiến về tầng lớp quý tộc quan lại vẫn còn ăn sâu trong xã hội. Rất nhiều gia đình vẫn muốn con em mình phải học giỏi, đỗ đạt, thành tài, làm quan để bố mẹ mở mày mở mặt, cả họ được nhờ. Khi làm công chức rồi, thay vì tư duy “công bộc”, nhiều người vẫn thể hiện tư duy kẻ cả, ban phát của tầng lớp đặc quyền đặc lợi.
Xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng của hàng nghìn năm phong kiến. Do đó, cho đến thế kỷ 21 này, dù có suy giảm, nghề công chức vẫn được coi là danh giá và hấp dẫn giới trẻ.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sinh viên tốt nghiệp vốn ít lựa chọn có xu hướng thích vào nhà nước nhằm phòng tránh những bấp bênh của doanh nghiệp. Và những ngành như ngành thuế có tính cạnh tranh rất cao, như chúng ta thấy gần đây.
Như vậy, sự hấp dẫn hàng đầu của nghề công chức phản ánh một tư duy việc làm lệch lạc và một nền kinh tế còn yếu kém. Trong tương lai, những người giỏi nhất phải thích thể hiện và dám thử thách mình trước những cơ hội vô hạn của khu vực ngoài nhà nước. Nghề công chức cần được đặt vào vị trí trung bình của nó. Đó chính là hàn thử biểu cho một Việt Nam phát triển đúng đắn và phồn vinh.
>> Xem thêm: Tiến sĩ Pháp trượt công chức cũng là chuyện bình thường
Chia sẻ bài viết của bạn về nghề nghiệp tại đây.