Văn học
Các sáng tác của Jon Fosse - nhà văn Na Uy đoạt giải Nobel năm 2023 - thường nhấn mạnh tính im lặng, nỗi cô đơn và tính chất bất khả diễn đạt của sự tồn tại - điều rất phù hợp chủ đề của Jean-Paul Sartre và Søren Kierkegaard. Fosse thường được so sánh với nhà văn, kịch tác gia người Ireland Samuel Beckett (1906 - 1989) - nghệ sĩ tiên phong trong phong trào kịch phi lý, chủ nhân Nobel Văn học năm 1969.
Truyện vừa Ánh sáng trắng (Kvitleik) của Jon Fosse phát hành năm 2023, dài 74 trang, in cỡ chữ lớn và không dùng dấu chấm hỏi ở những câu hỏi. Bằng những cụm từ ngắn gọn, lối văn xuôi tối giản và trầm ngâm đặc trưng, Jon Fosse đưa người đọc khám phá đời sống nội tâm của nhân vật chính. Câu chuyện đi sâu vào chủ đề tồn tại, ý thức và thân phận con người, phản ánh suy tư của tác giả về những câu hỏi hiện sinh.

Bản dịch "Ánh sáng trắng" do dịch giả Thiên Nga chuyển ngữ, ấn hành bởi Nhà xuất bản Dân Trí vào tháng 4/2024. Ảnh: NXB Dân Trí
Thắng giải Man Booker năm 2011, Nghe mùi kết thúc (The Sense of an Ending) của Julian Barnes dẫn dắt người đọc vào dòng hồi tưởng của nhân vật chính Tony Webster. Những mảnh vỡ ký ức của Webster hóa ra không hoàn toàn là sự thật, phản ánh niềm tin của Jean-Paul Sartre rằng bản sắc vốn linh hoạt, không cố định. Qua tác phẩm, nhà văn Anh Julian Barnes đặt câu hỏi: Liệu cuộc sống của chúng ta được định nghĩa bằng hành động, hay bằng cách chúng ta diễn giải những hành động ấy. Đây là một trong những mối quan tâm chính của chủ nghĩa hiện sinh.
Cha và con (The Road), tiểu thuyết thắng giải Pulitzer 2007 của Cormac McCarthy, kể về hành trình dằng dặc của hai cha con qua vùng đất hoang vu hậu tận thế. Trong một thế giới dường như không còn ý nghĩa gì, tại sao ta phải tiếp tục? Câu trả lời của The Road là: Vì chúng ta lựa chọn như vậy.
Thư viện nửa đêm (The Midnight Library, bản tiếng Anh phát hành năm 2020, bản tiếng Việt năm 2022) của Matt Haig viết về một phụ nữ chán sống tên Nora Seed. Tại một thư viện kỳ diệu, cô có cơ hội thử nghiệm những cuộc đời khác nhau mà lẽ ra cô đã được sống nếu lựa chọn khác đi. Qua đó, cô nhận ra rằng không có lựa chọn nào thực sự hoàn hảo và cô phải chịu trách nhiệm, tự tìm ý nghĩa cho chính mình thay vì mong đợi thế giới trao cho.
Nhân vật chính của Cô nàng ở cửa hàng tiện ích (Konbini Ningen, bản tiếng Nhật phát hành năm 2016, tiếng Việt năm 2019) của Sayaka Murata là một phụ nữ Nhật bị xem là lập dị. Ở tuổi 36, cô sống độc thân và làm nhân viên bán thời gian tại cửa hàng tiện lợi suốt 18 năm trời. Sâu sắc, khôi hài mà không kém phần tăm tối, tác phẩm phản ánh sự tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời trong một xã hội luôn áp đặt khuôn mẫu. Konbini Ningen thắng giải Akutagawa dành cho sáng tác xuất sắc của những cây bút mới năm 2016.
Khi tách cà phê còn chưa nguội (Kohi ga Samenai Uchi ni, 2015) của Toshikazu Kawaguchi bán được gần nửa triệu bản chỉ trong lần ra mắt. Trong một quán cà phê ở Tokyo, khách hàng có thể quay lại quá khứ để gặp ai đó, nhưng không được thay đổi hiện tại. Khi sử dụng phép lạ này, ai cũng hy vọng tìm lại một điều gì đã mất chẳng hạn như tình yêu, lời xin lỗi, cơ hội thứ hai nhưng họ phải học cách chấp nhận sự thật. Cuốn sách đặt ra câu hỏi về ý nghĩa của thời gian và sự lựa chọn.

Bìa bản tiếng Việt quyển "Khi tách cà phê còn chưa nguội". Tác phẩm do dịch giả Như Nữ thực hiện, ra mắt năm 2017. Ảnh: NXB Văn học
Điện ảnh
Màn bạc thế giới gần đây cũng trình chiếu không ít bộ phim đình đám thể hiện khá rõ tư tưởng hiện sinh.
Everything everywhere all at once của Daniel Kwan và Daniel Scheinert là một siêu phẩm dị biệt, thắng bảy giải Oscar quan trọng năm 2023 đầy thuyết phục. Nhân vật chính Evelyn (Dương Tử Quỳnh đóng) bị đẩy vào một đa vũ trụ hỗn loạn, nơi dường như không có gì mang ý nghĩa cố hữu. Hành trình của Evelyn giúp người xem phân biệt chủ nghĩa hư vô với chủ nghĩa hiện sinh, gửi gắm thông điệp: Mặc dù cuộc sống có thể vô lý, chúng ta có thể tạo ra ý nghĩa thông qua tình yêu và sự kết nối giữa người với người.
Trailer "Everything everywhere all at once". Video: A24
Phim hoạt hình Soul (2020) của đạo diễn Pete Docter và Kemp Powers kể về Joe Gardner, một giáo viên âm nhạc có sự nghiệp lận đận. Qua hành trình Joe khám phá ý nghĩa cuộc đời sau tai nạn, phim kín đáo gửi gắm tư tưởng hiện sinh về tự định nghĩa bản thân và mục đích sống. Bằng góc nhìn hài hước, sống động, phim khuyến khích khán giả tìm kiếm niềm vui trong những khoảnh khắc bình dị hàng ngày.
Những bộ phim Việt Nam thắng giải quốc tế trong hai năm qua cũng ít nhiều phản ánh tư tưởng hiện sinh.
Bên trong vỏ kén vàng, phim thắng giải Camera Vàng của Liên hoan phim Cannes 2023, của đạo diễn Phạm Thiên Ân khắc họa hành trình Thiện đưa cháu trai về quê sau khi chị dâu anh qua đời. Chuyến trở về buộc anh đối mặt những ký ức, ham muốn trong quá khứ, chuỗi câu hỏi hiện sinh về đức tin, mất mát và bản chất cuộc sống. Chậm rãi, giàu ẩn dụ và giàu chất thiền, phim khám phá sâu sắc những chủ đề hiện sinh trong bối cảnh văn hóa Việt Nam đương đại.
Cu li không bao giờ khóc của đạo diễn Phạm Ngọc Lân theo chân bà Nguyện - một phụ nữ Việt Nam - từ Đức trở về, mang theo tro cốt của chồng và một con cu li. Giữa bộn bề ký ức và xúc cảm phức tạp, bà tự vấn về ý nghĩa của sự tồn tại, về quan hệ với người chồng quá cố... Những yếu tố này thể hiện tinh thần của chủ nghĩa hiện sinh khi con người phải tự định nghĩa bản thân và tìm kiếm ý nghĩa trong một thế giới vô thường. Tác phẩm chiến thắng hạng mục Phim đầu tay xuất sắc tại liên hoan phim Berlin năm 2024.
Mưa trên cánh bướm của đạo diễn Dương Diệu Linh xoay quanh phản ứng của bà Tâm - một phụ nữ trung niên ở Hà Nội - khi phát hiện chồng mình ngoại tình. Thay vì đối mặt trực diện với vấn đề, bà lại tìm đến chỗ dựa tâm linh, nhưng vô tình đánh thức thế lực kỳ bí trong nhà. Bi kịch của bà Tâm mang màu sắc khủng hoảng hiện sinh, khi bà bị phản bội, không ngừng tự hỏi về giá trị bản thân, ý nghĩa hôn nhân và vai trò của mình trong gia đình. Lựa chọn giải quyết vấn đề bằng bùa ngải cũng thể hiện thái độ trốn tránh trách nhiệm và tự do cá nhân của bà - một chủ đề thường thấy trong chủ nghĩa hiện sinh. Tác phẩm thắng hai hạng mục Phim sáng tạo nhất và Phim hay nhất tại liên hoan phim Venice 2024.
Trích đoạn trailer "Mưa trên cánh bướm" (tên tiếng Anh là "Don't Cry Butterfly"), ra rạp trong nước ngày 3/1. Video: Momo Film Co
Âm nhạc
Jazz được xem là thể loại âm nhạc hiện sinh thuần túy nhất. Tính ngẫu hứng của dòng nhạc này thể hiện rõ triết lý tồn tại có trước bản chất của chủ nghĩa. Nghệ sĩ tự do biểu diễn, tạo ra ý nghĩa trong khoảnh khắc - như niềm tin của Jean-Paul Sartre rằng ta định nghĩa bản thân thông qua hành động. Vượt ra ngoài khuôn khổ, không cấu trúc định trước, nghệ sĩ nhạc jazz phải có lựa chọn của riêng mình khi chơi, phản ánh tư tưởng "tự do phi lý" của Albert Camus.
Trong khi đó, nhạc rock thường phản ánh sự xa lánh, vô nghĩa, nổi loạn chống lại kỳ vọng của xã hội - những chủ đề chính trong chủ nghĩa hiện sinh. Rock thách thức chuẩn mực và đặt câu hỏi về tính xác thực, tương tự như sự thiếu đức tin của Sartre. Còn nhạc metal vỗ về chủ nghĩa hư vô, sự vô nghĩa của vũ trụ, miêu tả đấu tranh cá nhân, phản ánh triết lý của Albert Camus và Friedrich Nietzsche. Nhiều bài hát bộc lộ nỗi sợ hãi và thách thức hiện sinh trong một vũ trụ phi lý.
Billie Eilish, 24 tuổi, là một trong những nghệ sĩ mang màu sắc của chủ nghĩa hiện sinh. Cô theo đuổi dòng nhạc pop, đoạt nhiều giải thưởng danh giá gồm bảy giải Grammy, hai cúp Oscar cho nhạc phim và một giải Quả Cầu Vàng. Nhiều bài hát của cô bộc lộ nỗi hoang mang, lạc lõng, mất phương hướng và tự vấn nội tâm.
Năm 2019, cô ra mắt ca khúc Everything I Wanted diễn tả sự phi lý trong cuộc sống: Ngay cả khi đạt được điều mong muốn, nhân vật vẫn thấy trống rỗng. Sáng tác phản ánh tư tưởng Albert Camus: Hạnh phúc là một ảo tưởng, nhưng ta vẫn phải tiếp tục sống. Ba năm sau, bài hát NDA ra đời, miêu tả cảm giác mất kết nối với thế giới và sự vô nghĩa trong các mối quan hệ - tương tự trạng thái "tồn tại như một kẻ xa lạ" mà Camus từng ám ảnh. Cùng năm 2021, nhạc phẩm Happier Than Ever ra mắt, gây ấn tượng với đoạn sau đầy phẫn nộ, giằng xé, thể hiện hành trình chối bỏ cuộc sống vô nghĩa để tìm kiếm tự do.
Được xưng tụng là "nữ hoàng nhạc đau khổ", Billie Eilish là thần tượng của hàng triệu thanh thiếu niên khắp thế giới. Thành công này chứng tỏ bài hát của cô đã cất lên "tiếng lòng" thế hệ trẻ: đầy lo âu, chơi vơi tìm kiếm ý nghĩa giữa thế giới vô định.
MV "Happier Than Ever". Video: YouTube Billie Eilish
Tại Việt Nam, "rapper quốc dân" Đen Vâu chinh phục công chúng yêu nhạc bằng những bài hát dung dị, đời thường nhưng không kém phần sâu sắc. Nhân vật trong nhạc của Đen sống trong hiện tại, không mơ tưởng xa xôi, kể cả khi còn đang chất vấn bản thể, tìm hướng đi, ý nghĩa đời mình, hay suy tưởng về cái chết. Điều này thể hiện phần nào trong bài Trời ơi con chưa muốn chết (2016):
Có lần mình bật khóc giữa đời
Khóc mình và rồi khóc cho người
Mơ chi ngày được lên thiên đường
Chỉ cần ngày ta xa rời, ngày tâm ta không tiếc nuối nhiều.
Con chưa muốn chết vì con còn phải đi tìm
Tìm bản thân con giữa đời khi nổi khi chìm
Dù cho nắng cháy hay là mưa thường vẫn xối
Dù cho con chỉ một mình không ai đưa đường dẫn lối.
Dường như Đen lúc nào cũng lựa chọn tự do, sống theo đam mê tuổi trẻ. Tinh thần ấy thể hiện qua nhạc phẩm Đi theo bóng mặt trời (2017):
Đi theo bóng mặt trời, trên những con đường xa anh rong ruổi
Thà làm con kiến tự do còn hơn là chúa sơn lâm ở trong cũi.
Và Bài này chill phết (2019):
Và đừng để đời chỉ là những chuỗi ngày được chấm công
Miệng cười như nắng hạ, nhưng trong lòng thì chớm đông
Nếu mà mệt quá, giữa thành phố sống chồng lên nhau
Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau.
Trích MV "Bài này chill phết" có sự góp mặt của diễn viên Phương Anh Đào. Video: YouTube Đen Vâu Official
Dù tích cực, lạc quan, Đen không tránh khỏi những lúc thấy lạc lõng trước thời đại, mất kết nối với thế giới xung quanh - một cảm giác "rất Camus", rất hiện sinh.
Tâm hồn của anh, anh không chắc nó hợp thời đại
Anh níu những cành cây khô và mong ngày sau lá rợp trời lại
Mọi thứ ngày càng phát triển, sao chúng ta càng bị bất an
Anh sống giữa lòng thành phố, nhưng lại mơ về thị trấn hoang.
(Mười năm, 2019)
Với chủ đề đa dạng, Đen Vâu thả trong lời rap vô cùng bắt tai những câu hỏi hiện sinh lơ lửng, tạo mối đồng cảm với những ai đang tìm kiếm bản thể và ý nghĩa đời mình trong cuộc sống xô bồ, hỗn loạn.
Không phải ngẫu nhiên nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh, âm nhạc chinh phục đông đảo khán giả đại chúng cũng như giới chuyên môn hiện nay đều có điểm chung: Thấp thoáng tinh thần hiện sinh. Những quan điểm được truyền tải khéo léo bằng ngôn ngữ nghệ thuật làm họ tâm đắc, thấm thía. Khi thưởng thức những tác phẩm ấy, khán giả như có dịp "trút bầu tâm sự" cùng chuyên gia tâm lý, họ thấy nhẹ nhõm, bình yên hơn, dần tìm ra được giải pháp cho những vấn đề đang giày vò nội tâm mình.
Hồng Nhung