"Tôi cho con tiền tiêu vặt khi đi học ngay từ lớp 1. Tới lớp 6, tôi cho con tự giữ tiền lì xì, tự quyết định tiêu xài cá nhân, và dặn 'chừng nào hết thì xin mẹ'. Tới năm lớp 7, con mới xin thêm tiền. Bắt đầu từ đó, mỗi khi con xin, tôi lại cho 300.000 - 500.000 đồng. Sau này, tôi tăng lên mức một triệu đồng.
Dù cho con tiền từ sớm nhưng tôi để ý thấy con tiêu xài rất tiết kiệm, căn cơ. Thế nên, theo tôi, chưa chắc 'xiết' tiền bạc với con đã tốt. Chủ yếu là cha mẹ tiêu xài như thế nào để làm gương cho con nhìn theo và học hỏi. Đồng thời, cha mẹ cũng cần hướng dẫn con tiêu xài tiền thế nào cho căn cơ là được. Không ít lần tôi lân la hỏi chuyện con xài gì ở trường? Con kể cũng từng bị bạn quỵt 250.000 đồng. Tôi không trách mắng mà lấy đó làm bài học, giảng giải để con rút kinh nghiệm và sau này không bị nữa.
Trong khi đó, con trai của bạn tôi, được cho tiền ngang ngửa con tôi. Bé tiêu xài rất sang chảnh. Có khi, một bữa trưa của cháu tốn tới mấy trăm ngàn. Con tôi cứ tiếc rẻ vì 'bạn ăn một bữa bằng con ăn cả chục bữa'.
>> Cha mẹ dễ dãi cho con vài trăm nghìn
Còn con gái một người bạn khác của tôi lại bị ba mẹ 'xiết' chuyện tiền bạc, không cho tự ý tiêu xài. Thế nên, cái gì bé cũng ham. Được ai cho tiền là cháu vồ vập đi mua quà ngay. Có lần, tôi lì xì cho bé và em, mỗi đứa một triệu đồng. Thế mà khi tôi còn đang ngồi chơi với người mẹ, cháu đã ra trước cửa, mua ngay một con búp bê theo trend với giá 700.000 đồng. Lát sau, cháu lấy luôn bao lì xì của em, mua thêm một con nữa. Khi mẹ cháu phát hiện hai con búp bê lăn lóc trên sàn, la mắng thì cháu tỉnh bơ đáp rằng 'cả hai con đều mắt lé nên chán'.
Tôi không dám chắc con mình sau này sẽ như thế nào? Chỉ là làm cha mẹ, tôi luôn cố gắng đồng hành cùng con như một người bạn. Tôi tìm cách hướng dẫn tận tình và kịp thời uốn nắn con khi cần thiết, không né tránh bất cứ chuyện gì, kể cả tiền bạc".
Đó là chia sẻ của độc giả Minh Phương sau câu chuyện "Con gái thành thủ lĩnh ở lớp vì mẹ cho 100.000 đồng mỗi ngày". Nói về vấn đề "Có nên cho con tiền tiêu vặt?", nhiều cha mẹ cho rằng không nên để con tiếp xúc với tiền từ quá sớm. Tuy nhiên, số khác lại phản đối với niềm tin rằng dạy con tiêu tiền một cách hợp lý là một trong những phương pháp hiệu quả để giáo dục trẻ về tài chính, để con biết quý trọng giá trị của lao động, của tiền bạc.
Trả lời cho câu hỏi trên, bạn đọc Sông Đông nhận định: "Thực ra việc cho tiền con bao nhiêu, hay không cho, còn tùy quan điểm của mỗi gia đình, hoàn toàn không có công thức đúng duy nhất. Chọn cách nào, miễn phụ huynh thấy phù hợp là được. Nhân đây, tôi cũng xin chia sẻ kinh nghiệm bản thân để góp thêm một góc nhìn.
Con tôi bắt đầu được cho tiền tiêu vặt từ khi lên lớp 2. Đầu tiên, tôi cho các con tầm 20.000 đồng, đi học đi thích mua gì thì mua, hết lại xin. Điều kiện duy nhất mà tôi đặt ra với con là mua gì về cũng phải kể cho mẹ. Đầu tiên, các con cũng chỉ mua mấy thứ đồ ăn độc hại hay đồ chơi linh tinh ngoài cổng trường. Thấy vậy, tôi không cấm cản, không mắng mỏ ngay, mà chỉ phân tích nhẹ nhàng cho con tại sao không nên mua món này hay món khác.
Cứ rèn dần như thế, khi các con lên lớp 5, tôi hầu như không cần hỏi cụ thể những món đồ con mua nữa. Các con lúc nào cũng có trong người 50.000-100.000 đồng, nhưng hoàn toàn không mua những thứ không hợp lý. Cho đến giờ, con tôi đã lên lớp 9 và 12 rồi, nhưng tôi hoàn toàn không phải lo lắng về việc tiêu tiền của con.
Ngoài ra, tôi còn rèn cho các con quản lý tiền được người thân cho, chi tiêu vẫn phải có sự kiểm soát của bố mẹ. Còn riêng tiền phần thưởng từ kết quả học tập thì các con có quyền tiêu xài tùy thích, không bao giờ tôi hỏi cặn kẽ con tiêu gì, còn hay hết, vì đó là khoản tiền do công sức các con vất vả kiếm được. Thật ra hướng dẫn các con chi tiêu hợp lý mới là việc làm đúng đắn nhất, chứ cha mẹ cứ cố né tránh, không cho con tiêu tiền thì các bé rất dễ nảy sinh hành vi xấu. Điều này thậm chí còn nguy hại hơn".
- 'Cha mẹ không thể né tránh dạy con tiêu tiền'
- Tôi cho tiền để con tự giác đi tắm, đánh răng
- Trả tiền cho con làm việc nhà
- Tôi trả tiền để con làm việc nhà
- Dạy con làm việc nhà không đòi trả công