Thứ nhất, hãy so sánh năng lực người đạt 5.5 IELTS và người đạt điểm cao bài THPT, khoảng 8 trở lên. Người đạt mức điểm 5.5 bắt đầu có khả năng dùng tiếng Anh trong học tập và cuộc sống, dù còn gặp khó khăn.
Trên thang mô tả nó được xếp vào mức gần "competent", nôm na là "dùng được tiếng Anh". Điểm 10 bài thi THPT có đảm bảo bắt đầu dùng được Tiếng Anh không? Không lấy gì ra đảm bảo được, vì bài thi không đánh giá toàn diện, chỗ thừa, chỗ thiếu, thừa thì ít, thiếu thì quá nhiều:
- Khả năng đọc của học sinh xác suất cao là tốt hơn học sinh đạt 5.5 IELTS vì trong bài thi THPT có phần đọc hiểu, và để đạt 10 cần đọc tốt hơn mức 5.5 IELTS.
>> Người bản ngữ phát âm tiếng Anh có 'chuẩn'?
- Khả năng nói và viết thì có rất ít thông tin. Học sinh làm bài đánh dấu trọng âm và nhận dạng phiên âm, nhưng khi nói chuyện với tốc độ 200-300 từ một phút không ai kịp dùng các kiến thức lý thuyết này để áp dụng xem phát âm thế nào.
Bài thi cũng có các câu mô phỏng tình huống giao tiếp cho sẵn để học sinh chọn, nhưng khi giao tiếp thật thì người ta phải bắt đầu từ ý tưởng, rồi mới chọn từ, chọn câu, mọi thứ diễn ra với tốc độ tính bằng giây, chứ không ai cho sẵn các lựa chọn để ngẫm nghĩ rồi chọn như bài thi trên giấy này.
Các kiến thức ngữ pháp và từ vựng của học sinh đạt 10 cũng có thể hơn học sinh IELTS 5.5, nhưng từ hiểu mấy quy tắc đến kết hợp với tự xây dựng ý tưởng, xây dựng câu thì là một khoảng cách xa vời vợi.
Rất nhiều học sinh tôi dạy có thể làm rất nhanh các bài ngữ pháp có sẵn câu cú, chỉ sửa lỗi, chia động từ... nhưng khi động tới phải tự tìm ý, tự xây dựng câu thì những khái niệm đơn giản như cần một danh từ làm chủ ngữ hay để mô tả với tính từ thì có thể dùng đến động từ to be cũng không biết dùng.
Biết những mẩu kiến thức ấy để làm gì khi mà không dùng được. Thà viết có vấp váp và nói có ấp úng như IELTS Writing và IELTS Speaking 5.5 còn tốt hơn nhiều.
>> Nỗi bẽ bàng vì phát âm tiếng Anh kém
- Khả năng nghe thì không có thông tin gì vì bài thi không đánh giá kỹ năng nghe. Nhiều học sinh điểm THPT cao, mà khi học giao tiếp phải nghe lại "Hello, how are you today" vì khả năng nghe vẫn ở điểm xuất phát trong khi kiến thức lý thuyết về ngữ âm, ngữ pháp đã quá vạch đích.
Thứ hai, người ta tranh cãi là bài thi IELTS dễ tủ, dễ học mẹo để điểm cao. Không gian bài viết này quá nhỏ để tranh luận đầy đủ.
Nhưng có thể thấy các đại học Oxford, Cambridge, Stanford, Chicago, Harvard chấp nhận điểm IELTS. Gian lận có thể xảy ra, nhưng nhìn chung đây vẫn là bài thi chất lượng cao, ít gian lận hơn nhiều các bài thi ở Hà Giang.
Nếu quả thực nó dễ gian lận và học tủ thì nó đã mất uy tín từ lâu, các trường hàng đầu thế giới sẽ không còn tin nó nữa.
Minh Doan
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.