"Mấy em gái ở công ty tôi ngày nào cũng thấy xếp hàng xuống sản để lấy đồ đặt mua online. Mà tôi thấy toàn mấy cái món chỉ có giá vài chục nghìn đồng, quần áo cũng chỉ 100.000 đồng, mỹ phẩm rẻ tiền các kiểu... Nói chung, toàn là hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và chất lượng ra sao? Họ mua về dăm ba ngày rồi lại vứt xó, hộp bìa, giấy gói vứt đầy trong WC. Nhiều món nhìn thì tưởng rẻ nên giỏ hàng của họ lúc nào cũng đầy ắp các món chờ chốt đơn, rất lãng phí".
Đó là chia sẻ của độc giả C0nyeub0m về thói quen mua sắm online của đồng nghiệp. Theo thống kê, năm 2024, mỗi ngày người Việt chi trung bình 873,6 tỷ đồng để mua hàng online trên năm sàn thương mại điện tử bán lẻ đa ngành lớn nhất. Con số này chiếm gần 6,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa cả nước năm 2024, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Cùng với doanh số, sản lượng hàng hóa bán qua năm sàn lớn nhất cũng tăng mạnh hơn 50% năm qua, đạt hơn 3,4 tỷ sản phẩm. Những con số cho thấy sức mua của thị trường vẫn duy trì ở mức cao.
>> Ăn mì gói thay cơm sau hai lần mua hàng online
Lấy ví dụ từ chính trải nghiệm mua hàng online của mình, bạn đọc Diemhanhpham thừa nhận: "Phải công nhận rằng mua hàng online rất hút. Nếu tôi ra cửa hàng xem hàng trực tiếp, chắc sẽ chỉ mua tầm 10% số lượng hàng hóa so với khi chốt đơn online. Tôi cứ vô thức ngồi xem livestream rồi chốt đơn, giành giật mua như kiểu thèm khát lắm. Đồ về có khi chất như núi, chẳng xài đến nữa. Tôi vẫn tự dặn lòng phải cai nghiện mua sắm online nhưng đến giờ vẫn chưa biết làm cách nào để cai được. Ngày nào tôi cũng canh giờ để vào xem livestream như một con nghiện".
Cũng bỏ ra số tiền lên tới hàng chục triệu đồng mỗi năm cho việc mua sắm online, tuy nhiên độc giả Tô Hòa lại cảm thấy hài lòng: "Tính trung bình mỗi người Việt chi chừng hơn ba triệu đồng mỗi năm để mua hàng online. Còn riêng tôi chi tới hơn 10 triệu đồng. Tuy nhiên, tôi cho rằng cái gì cực đoan quá cũng không tốt. Mua sắm online cho dù có vô số rủi ro, nhưng mặt thuận tiện cũng không thể chối bỏ được, nhất là với những món hàng mà tôi không thể tìm thấy ở các cửa hàng xung quanh mình".
Đồng quan điểm, bạn đọc Linhtran gợi ý cách mua sắm online thông minh để không rơi vào cái bẫy tài chính: "Nhiều người ham rẻ nên mua sắm vô tội vạ, đó là lỗi của người mua chứ không phải do các sàn thương mại điện tử. Tôi mua hàng luôn phải tìm hiểu kỹ xem hàng hóa thế nào, nguồn gốc xuất xứ có rõ ràng không, shop đó làm ăn thế nào...? Những cái đó có thể kiểm chứng thông qua phản hồi của người mua trước đó.
Ngoài ra, giá thành sản phẩm cũng phải hợp lý. Nếu một chai dầu gội bán ngoài siêu thị giá 150.000 đồng, nay một shop online nào đó bán chỉ 30.000 - 50.000 đồng thì rõ ràng giá đó rất vô lý. Bạn phải đặt dấu hỏi nghi ngờ chất lượng ngay chứ mua làm gì? Còn nếu shop đó bán khoảng 120.000 đồng, đã có nhiều người mua trước đó để lại đánh giá khen hàng chuẩn và không có đánh giá thấp nào nghiêm trọng liên quan đến chất lượng, thì mới cân nhắc mua.
Ngoài ra, mua hàng online, bạn phải biết áp thêm mã giảm giá, sử dụng xu, số dư hoàn tiền... để được sản phẩm giá tốt nhất. Tóm lại, mua hàng trên sàn thì bạn phải bỏ thời gian, công sức để săn sale vào các dịp nhất định, khung giờ vàng, có như vậy mới được lợi nhất. Đó là kinh nghiệm mua hàng online để mua được hàng tốt, giá phải chăng của tôi".
- 'Đồng nghiệp đi làm chỉ lo ăn sáng, uống cà phê, nhận hàng từ shipper'
- Tôi mua bình giữ nhiệt 'made in Vietnam' thua xa hàng Trung Quốc
- Cuộc chiến cai nghiện mua hàng online
- Tôi cạch mặt các shop bán hàng online yêu cầu 'inbox hỏi giá'
- Thế 'cửa dưới' của người mua hàng online
- 'Người thiếu kiến thức mới bị lừa khi mua hàng online'