Phẫu thuật cắt bao quy đầu giúp nam giới dễ dàng vệ sinh vùng kín, phòng ngừa nấm, vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh khác xâm nhập, dẫn đến viêm nhiễm sinh dục dai dẳng, ảnh hưởng sinh sản và tăng nguy cơ ung thư dương vật.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Tân, Khoa Tiết niệu - Nam học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết cắt bao quy đầu không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của trẻ. Nếu trẻ được vệ sinh và thay băng đúng cách thì thời gian phục hồi nhanh, phòng ngừa nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu và tái dính niêm mạc bao quy đầu vào viền chỏm. Phần niêm mạc này mới lộ ra sau mổ, rất non và mỏng, dễ dính với xung quanh.

Êkíp bác sĩ phẫu thuật cắt bao quy đầu cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Cách thay băng
Các dụng cụ để thay băng bao gồm gạc vô khuẩn, panh vô trùng (dụng cụ trong phòng mổ), kẹp phẫu tích, kéo, dung dịch betadine, cồn 70 độ, natri clorid 0,9%, nilon lót, găng tay sạch, băng keo y tế, kéo cắt. Quy trình gồm:
Bước 1: Sát khuẩn tay bằng xà phòng, dùng bao tay y tế để tháo băng, hạn chế nhiễm khuẩn, giảm nguy cơ viêm nhiễm.
Bước 2: Sử dụng nước muối sinh lý hoặc nước ấm để làm mềm băng gạc.
Bước 3: Tháo nhẹ nhàng băng ra khỏi bao quy đầu, tránh mạnh tay làm vết mổ bị ảnh hưởng.
Bước 4: Dùng dung dịch sát khuẩn theo chỉ định của bác sĩ để vệ sinh dương vật, không cọ xát để tránh chảy máu.
Bước 5: Thay băng gạc sạch, mềm và có kích cỡ thích hợp để băng lại vết thương. Nên băng vừa phải quanh vết thương, tránh dính, không băng quá chặt.
Lưu ý thay băng hàng ngày, tuân thủ đúng quy trình để hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật. Khi thay băng, phụ huynh cần quan sát vết cắt của trẻ đã khô miệng chưa. Nếu vùng này có triệu chứng sưng đỏ, chảy mủ, trẻ cần tái khám sớm để điều trị kịp thời.
Cách vệ sinh
Bác sĩ Tân cho biết sau khi cắt bao quy đầu, việc đi tiểu không đúng cách sẽ ảnh hưởng đến vết thương, nhất là ở trẻ nhỏ vì chưa thể tự chăm sóc bản thân. Do đó, cha mẹ cần thay băng vết thương cho con nếu bị ướt do nước tiểu, hướng dẫn con tránh làm ướt băng và dẫn đến nhiễm trùng.
Vết thương thường phục hồi sau 7-10 ngày, nhưng chỉ sau 2-3 ngày phẫu thuật đã khô miệng và không còn sưng nhiều. Để đảm bảo an toàn, trẻ nên kiêng tắm từ 2-3 ngày sau phẫu thuật. Thời gian này, cha mẹ vệ sinh cơ thể cho con bằng nước ấm thường xuyên để không gây cảm giác khó chịu.
Sau ngày thứ ba, trẻ có thể tắm bình thường nhưng cần bảo vệ dương vật cẩn thận, có thể dùng bao nylon che phủ để tránh vết thương bị ẩm do thấm nước. Sau khi tắm, hãy dùng khăn mềm lau khô và băng bó cẩn thận.
Cha mẹ cần sử dụng nguồn nước sạch khi vệ sinh cho con để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng vết mổ. Tránh tắm quá lâu để ngăn vết thương bị ngâm nước, tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển. Không kỳ cọ quá mạnh vào dương vật, tránh xối nước trực tiếp, không dùng nước quá nóng hay sử dụng xà phòng để rửa vết thương. Sử dụng tăm bông thấm khô và thay băng gạc mới sau khi tắm.
Minh Đức
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh nam khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |