Sáng nay, tôi bước lên cầu vượt dành cho người đi bộ bắc qua đường Đại Cồ Việt, Hà Nội để vào công viên Thống Nhất thư giãn và tập thể dục. Nhưng vừa đặt chân lên, tôi giật mình vì cảm nhận thấy bậc thang dưới chân sụt nhẹ. Dừng lại quan sát, tôi thấy vài bậc thang đã rỉ sét nặng, có chỗ bong tróc, mục gãy khiến tôi bất an khi bước tiếp trên từng bậc cầu thang.

Cầu vượt cho người đi bộ trước cổng công viên Thống Nhất bị hoen rỉ. Ảnh: nhân vật cung cấp.
Sự xuống cấp này là dấu hiệu của một nguy cơ rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Một bậc thang gãy, một thanh lan can đổ vào giờ cao điểm, giữa đêm khuya hoặc lúc trời mưa hoàn toàn có thể gây chấn thương nghiêm trọng. Càng đáng lo hơn, cây cầu ấy nằm ngay trên trục giao thông đông đúc ở Hà Nội, nơi mỗi giờ có hàng nghìn lượt xe qua lại bên dưới.
Từ những lo lắng này, tôi nghĩ đến những vụ tai nạn đau lòng từng xảy ra vì chủ quan, chậm trễ trong kiểm tra, bảo trì hạ tầng.
Tháng 5/2023, cổng trường Tiểu học Tiên Lục (Lạng Giang, Bắc Giang) bất ngờ đổ sập trong giờ tan học, khiến một học sinh thiệt mạng và ba em khác bị thương nặng Trước đó, vụ lan can chung cư ở TP HCM gãy gập khiến bé gái rơi từ tầng cao xuống đất vẫn còn là nỗi ám ảnh.
>> 'Tôi đứng ngắm cảnh Hồ Tây nhưng bị chủ trà đá vỉa hè đuổi mắng'
Những thảm kịch này đều do hạ tầng xuống cấp, cảnh báo bị phớt lờ, và quy trình xử lý thường đến sau khi tai nạn đã xảy ra. Chúng ta luôn thấy một kịch bản quen thuộc lặp lại: "kiểm tra – xử lý – truy trách nhiệm". Nhưng điều cần làm nhất – là phòng ngừa từ sớm, phát hiện từ những dấu hiệu nhỏ nhất lại bị xem nhẹ, dẫn đến hậu quả đau lòng đã xảy ra. Nhưng sẽ càng đau hơn nếu chúng ta chỉ coi đó là chuyện vặt, nên bỏ qua những công trình nhỏ, sát bên mình, nơi rủi ro đang âm thầm tích tụ mỗi ngày.
Tôi viết bài này với mong muốn các cơ quan chức năng có trách nhiệm – đặc biệt là đơn vị quản lý và duy tu cầu vượt tại Hà Nội – sớm cử cán bộ kiểm tra kỹ lưỡng hiện trạng cây cầu nói trên và các công trình tương tự trong thành phố. Việc kiểm tra định kỳ, bảo dưỡng kịp thời không phải là một việc "nên làm" mà là nghĩa vụ bắt buộc để bảo đảm an toàn cho người dân.
Đừng để tai nạn xảy ra rồi mới lần theo quy trình để phân định ai đúng ai sai. Khi đó, mọi truy cứu đều đã muộn. Sự sống đã mất thì không quy trình nào cứu lại được.
- Đi bộ ở Hà Nội kiểu 'chân trên vỉa hè, chân dưới lòng đường'
- 'Kẻ xin - người không cho' khi đi bộ qua đường
- Người đi bộ cắt mặt ôtô, bắt tôi phải nhường đường
- Nhiều tài xế không dừng nổi 3 giây chờ người đi bộ sang đường
- 'Giăng dây, dựng rào không giúp trả lại vỉa hè cho người đi bộ'
- Nhiều người đi bộ, đạp xe vài trăm mét cũng than mệt