Việc chăm sóc và quản lý cây xanh là một công tác có tính khoa học, không phải cứ đến mùa mưa bão là cắt trụi. Tôi thấy việc cắt tỉa cây ở một số thành phố thời gian qua không hợp lý. Họ cắt trụi cây nên rất phản cảm. Cắt xong họ cũng chưa xử lý chỗ cắt để tránh sâu mục thân cây sau này. Đây là nguyên nhân làm nhiều cây xanh to lớn nhưng mục ruỗng bên trong, cây yếu đi và dễ gãy đổ khi có một lực tác động không cần lớn.
Một vấn đề nữa cây yếu, không đủ sức chống chịu với gió mưa là tình trạng bê tông hóa gốc cây. Khi đó bộ rễ sẽ hô hấp kém, hấp thu nước cũng kém, kết hợp cành lá bị cắt không quang hợp được càng làm sức khỏe của cây xanh yếu, dễ sâu bệnh và tất nhiên dễ ngã đổ.
Bên cạnh đó việc cắt tỉa cành chưa theo quy trình khoa học, chưa có sự tính toán cây sinh trưởng đến đâu thì cắt. Tôi thấy cây nào cũng bị tác động, không ít thì nhiều. Với cây khỏe, cây nhỏ, nguy cơ gãy, đổ thấp thì không cần thiết phải cắt tỉa nhiều.
Việc trồng cây loại nào phù hợp với đường phố để cây xanh phát huy chức năng của nó cũng là một việc làm phải tính toán kỹ lưỡng, khoa học. Cây xanh có rễ ăn nổi mặt đất, cây rụng lá nhiều có lẽ không phù hợp với đô thị. Nhưng việc trồng cây xanh vẫn phải có tán lá nhiều thì mới phát huy được chức năng của nó là tạo bóng mát, giảm ô nhiễm bụi và tiếng ồn, điều hòa không khí. Vì thế, cần có những chuyên gia, những nhà nghiên cứu về cây xanh để đề xuất kế hoạch trồng cây, cắt tỉa như thế nào, cắt tỉa đến đâu là phù hợp.
Hoàng Văn Đông
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.