Tuần rồi, bạn tôi có chuyến đi du lịch Vĩnh Hy (Khánh Hòa). Bạn đặt vé xe về lại TP HCM từ trưa chủ nhật, nhưng gần 12h đêm mới tới nhà. Từ lúc lên xe buổi trưa, bạn liên tục cập nhật tình hình kẹt xe khi còn chưa đến Dầu Giây, trùng hợp với thời điểm một đoạn trên cao tốc này được sửa chữa.
Nhưng chuyện kẹt xe trên cao tốc này, nhất là vào cuối tuần không hiếm. Sau gần một thập kỷ vận hành, tuyến đường dài 55 km này đang gánh trên mình nhiều vai trò: từ đường về quê, đi du lịch, đến cửa ngõ ra sân bay tương lai, vận chuyển hàng hóa (ngành logistics)...
Cao tốc TP HCM - Dầu Giây được đưa vào khai thác từ năm 2015, với 4 làn xe và hai làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế 100 km/h. Tuy nhiên, tuyến đường này không chỉ phục vụ việc đi lại giữa TP HCM và Đồng Nai.
Đây là trục chính dẫn đến hàng loạt điểm đến như Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang, và Đà Lạt thông qua kết nối với quốc lộ 20, và trong tương lai là cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.
Chưa kể, khi sân bay Long Thành chính thức hoạt động, cao tốc này sẽ trở thành lối vào chính từ TP HCM đến sân bay quốc tế lớn nhất cả nước. Với mật độ phương tiện tăng liên tục, tình trạng kẹt xe vào dịp lễ, cuối tuần hay thậm chí ngày thường đã không còn xa lạ.
Con số 23,2 triệu lượt xe lưu thông trên tuyến trong năm 2024 là minh chứng rõ ràng cho áp lực mà tuyến đường này đang gánh. Nhưng quan trọng hơn, nó cho thấy một vấn đề là hạ tầng giao thông dường như chưa được chuẩn bị kịp với sự phát triển của đô thị và nhu cầu đi lại.
Chúng ta không thể nói đây là câu chuyện bất ngờ. Tương lai đang đặt thêm nhiều gánh nặng lên tuyến đường vốn đã quá tải. Việc Bà Rịa - Vũng Tàu sáp nhập vào vùng đô thị TP HCM sẽ kéo theo nhu cầu di chuyển nội vùng tăng mạnh.
Du lịch cuối tuần đi biển, nghỉ dưỡng tại Phan Thiết, Đà Lạt, Nha Trang... xe cộ đều "dồn toa" qua tuyến này. Tuyến cao tốc TP HCM - Dầu Giây vì thế rơi vào tình trạng làm nhiều nhiệm vụ cùng lúc: vừa là trục chính phục vụ di chuyển dân sinh, vừa gánh vác vai trò liên kết kinh tế vùng, vừa là con đường đến sân bay quốc tế tương lai.
Theo tôi, giải pháp không nằm ở việc "chắp vá". Tuyến đường này cần được nâng cấp mở rộng khẩn cấp, đây là giải pháp căn cơ. Cần quy hoạch và triển khai đồng bộ hệ thống đường vành đai, quốc lộ song hành... và nên được nghiên cứu, triển khai ngay từ bây giờ.
Quy hoạch giao thông không thể chạy theo tốc độ phát triển, mà phải dẫn dắt sự phát triển.