Tuần rồi một người anh họ ở Đồng Nai gọi điện tâm sự với tôi về đứa con trai đầu của anh. Đó là một cậu thanh niên bỏ học từ năm lớp 11, nay đã hai mươi tuổi.
Đứa con của anh ngày càng ngỗ nghịch, mặc dù anh chị đã đầu tư rất nhiều tiền cho cháu ăn học, từ học chữ đến học nghề nhưng cái nào anh chàng cũng chỉ học được vài buổi rồi trốn học đi tụ tập chơi bời với bạn bè.
Vì lo lắng cho đứa con mà anh chị buồn phiền, mất ăn mất ngủ mà đổ bệnh không thiết tha gì đến công việc và bản thân, mặc dù anh chị cũng thuộc hạng khá giả ở địa phương.
Anh tâm sự rằng hai vợ chồng đã quá ham công tiếc việc mà không quan tâm đến việc học hành của con khi cháu con còn bé. Kết quả dẫn đến tình trạng ăn chơi lêu lổng và tình trạng bất trị của cháu như hôm nay.
>> Sự thấu cảm và lòng trắc ẩn trong giáo dục
Câu chuyện giáo dục con cái sao cho đúng luôn là một vấn đề nan giải với các bậc phụ huynh. Đặc biệt là trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi vừa phải mang gánh nặng cơm áo gạo tiền vừa phải lo cho con cái được học hành đàng không bị rơi vào những cạm bẫy ngoài xã hội.
Lớp tôi đang dạy có một bạn sinh viên nhà ở Gia Lai, bạn tâm sự rằng đợt dịch vừa rồi khi cả Sài Gòn bị phong tỏa là thời gian bạn ở nhà với ba mẹ lâu nhất từ năm 11 tuổi đến nay.
Bạn học nội trú ở Sài Gòn suốt từ năm lớp sáu đến khi học hết cấp ba. Thời gian học tại các trường nội trú đặc biệt là thời gian ở một ngôi trường cấp ba nổi tiếng ở Sài Gòn không khác gì ở trong một nhà tù đúng theo nghĩa đen.
Gần như toàn bộ học sinh phải học từ sáng sớm đến chín mười giờ tối. Bạn cảm thấy mình còn may mắn khi đã không nghĩ quẩn hoặc mang các bệnh về thần kinh khi sống dưới áp lực học hành kinh khủng đến như vậy.
Nhiều bậc phụ huynh cứ nghĩ phải làm ra thật nhiều tiền để sau này để lại cho con cái, để cho chúng có cuộc sống đủ đầy với người ta, nhưng rồi lại vì thiếu sự quan tâm bảo ban của cha mẹ chúng lại đâm ra hư hỏng như đứa con người anh họ của tôi.
Hiện nay, trong một xã hội có rất nhiều cách để kết nối với nhau nhưng điều đáng buồn là những thành viên trong gia đình lại càng một xa nhau hơn. Điều dễ nhận thấy hiện nay là gần như mọi người từ trẻ em đến người già ngày càng thu mình trong cái thế giới riêng của họ đó là chiếc điện thoại di động hơn là chuyện trò, giao tiếp với nhau.
Tôi dám chắc với các bạn, những người đang đọc những dòng này đã lâu rồi các bạn không cùng ngồi với các thành viên trong gia đình mình để xem hết một tập phim trên truyền hình hay cả là cùng nhau chơi một môn thể thao nào đó, hay thậm chí là cùng nhau truyện trò trong bữa cơm gia đình.
>> Cô bé đậu đại học nhờ làm 'mọt sách'
Việc thiếu đối thoại trong gia đình khiến những người cha người mẹ không hiểu được những đứa con của mình và ngược lại, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng sâu rộng hơn.
Cha mẹ cứ nghĩ những gì mình làm là tốt nhất cho con cái nhưng thực sự trong thâm tâm chúng lại không nghĩ như vậy. Đôi khi những việc cha mẹ phải vất vả làm cho con cái lại đem lại tác dụng ngược.
Có lẽ những người làm cha làm mẹ ai cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con cái của mình nhưng đôi khi vì khoảng cách về thế hệ cộng với việc giao tiếp một chiều theo lối áp đặt khiến những đứa trẻ có tâm lý ức chế và luôn tìm cách phản kháng.
Tôi hy vọng những người có con đang tuổi lớn có thể dành nhiều thời gian hơn với con cái để cùng chúng lớn lên và có một tuổi thơ thật đẹp.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.