Sáng đầu tuần, lướt mạng xã hội, tôi tình cờ đọc được một bài đăng thông báo một dòng tin buồn rằng một vị PGS. TS, cha đẻ bộ đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ vừa qua đời. Dưới bài viết, bên cạnh những dòng cảm xúc, bình luận thể hiện sự tiếc thương sâu sắc với sự ra đi của một nhà khoa học nước nhà, tôi bất ngờ khi thấy có hơn 1.200 lượt thả biểu tượng "haha" mang ý cười cợt. Tôi đã thực sự bị sốc và sợ hãi trước phản ứng này của một bộ phận người dùng mạng xã hội.
Qua tìm hiểu, tôi được biết, vị PGS. TS kia còn là một nhà giáo, nhà ngôn ngữ học, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy tiếng Nga. Trong suốt nhiều thập kỷ, ông không chỉ là giảng viên tiếng Nga mà còn là nhà nghiên cứu ngôn ngữ Nga và nhà quản lý giáo dục.
Ông cũng là tác giả của hàng chục bộ sách giáo khoa, sách giáo viên, tài liệu tham khảo tiếng Nga dùng trong các trường phổ thông và chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, ông còn là chủ biên của bốn bộ từ điển, trong đó có cuốn "Từ điển Giáo khoa Nga-Việt" dày 1.800 trang, một công trình đồ sộ đã nhận được hai giải thưởng quốc tế danh giá, "Business Initiative Directions" và "International Gold Star for Quality".
Đến khi nghỉ hưu, ông đã có gần 40 năm phục vụ trong ngành giáo dục. Tôi xin nhấn mạnh là 40 năm, một con số rất lớn khiến tất cả chúng ta phải cúi đầu. Sau khi nghỉ hưu, niềm đam mê nghiên cứu của ông vẫn tiếp tục cháy bỏng, thể hiện qua việc ông cùng đồng nghiệp hoàn thành nhiều bộ sách có giá trị, bao gồm cả bộ Từ điển bách khoa phổ thông Việt Nam gồm hai tập. Ông cũng là một nhà giáo dục, nhà khoa học được đào tạo bài bản, có uy tín và có những đóng góp thực chất, được công nhận trong hệ thống học thuật chính thống suốt nhiều thập kỷ.
>> Nỗi oan những bác sĩ cấp cứu 'vô cảm'
Thế nhưng, phần nhiều chúng ta chỉ biết đến ông với đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ, bắt nguồn từ nhận định cho rằng chữ quốc ngữ hiện hành, sau gần một thế kỷ tồn tại, đã bộc lộ nhiều điểm "bất hợp lý". Ông đã công bố học thuật trên một tạp chí trước khi được công chúng chú ý. Và khi ấy, câu chuyện cải tiến này đã tốn nhiều giấy mực của báo chí lẫn các bình luận, đa phần là chỉ trích nặng nề trên mạng xã hội.
Trở lại những "haha" vô cảm sau khi ông qua đời, có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ hoặc mới tìm đọc các thông tin "hớt váng" về công trình của ông, nên mới có những phản ứng tiêu cực như vậy. Nhưng có lẽ họ không biết rằng, những nhà khoa học có một quyền rất cơ bản được gọi là "tự do học thuật", bao gồm giảng dạy, học tập và nghiên cứu - mà không bị kiểm duyệt hay trừng phạt, ngay cả khi họ đề cập đến những chủ đề nhạy cảm, gây tranh cãi hoặc đi ngược lại quan điểm thông thường.
Như vậy, công trình nghiên cứu kéo dài hàng thập kỷ của vị PGS. TS kia về cải tiến chữ quốc ngữ, dù gây tranh cãi đến đâu, vẫn nằm trong phạm vi được bảo vệ bởi quyền tự do học thuật. Tuy vậy, cũng cần phải phân biệt rõ ràng giữa quyền được nghiên cứu và đề xuất ý tưởng với việc ý tưởng đó có được chấp nhận hay triển khai trong thực tế hay không?
Thế giới từng có nhiều trường hợp tương tự. Ví dụ điển hình là thuyết Nhật tâm (Heliocentrism). Ý tưởng Trái Đất quay quanh Mặt Trời, được Nicolaus Copernicus đề xuất và Galileo Galilei bảo vệ, đã đi ngược lại mô hình Địa tâm được chấp nhận hàng thế kỷ. Khi đó, nó vấp phải sự phản đối dữ dội từ giới học thuật và tôn giáo, dẫn đến việc sách của Copernicus bị cấm và Galileo bị xét xử, kết án và quản thúc tại gia cho đến cuối đời. Phải mất nhiều thập kỷ sau, với công trình của Isaac Newton, thuyết Nhật tâm dần được công nhận.
Hay thuyết Trôi dạt Lục địa (Continental Drift/ Plate Tectonics) cũng từng bị trường hợp tương tự. Nhà khí tượng học người Đức Alfred Wegener, dựa trên các bằng chứng về địa chất và hóa thạch, đã đề xuất vào năm 1912 rằng các lục địa từng là một khối duy nhất và đã trôi dạt ra xa nhau. Ý tưởng này bị cộng đồng khoa học phản đối và chế giễu trong gần 50 năm trước khi các bằng chứng về kiến tạo mảng làm sáng tỏ và khẳng định tính đúng đắn của nó. Đáng tiếc, Wegener đã qua đời trước khi lý thuyết của mình được công nhận.
Tôi nêu hai ví dụ trên để cho thấy tính tự do học thuật và sự chấp nhận của nhân loại có thể đến sau rất lâu, thậm chí khi tác giả qua đời. Tôi không khẳng định công trình cải tiến chữ quốc ngữ của vị PGS. TS kia sẽ được công nhận ở thời điểm hiện tại nhưng cũng không ai dám chắc chắn rằng 50 năm sau sẽ thế nào?
Tóm lại, đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, khuyến khích sự nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, những ý tưởng có thể bị xem "điên rồ" ở thời điểm ra đời nhưng thời gian sẽ là minh chứng cho sức sống bền bỉ của nó. Nhưng chính những "haha" vô cảm nhất thời trên mạng xã hội, dù chỉ mất vài giây để tạo ra, nhưng sẽ để lại nhiều niềm đau cho những người khác.
(Tác giả Dy Khoa một chuyên gia truyền thông, được đào tạo cao học chuyên ngành truyền thông khoa học và thu hút công chúng. Tác giả tham gia đóng góp nhiều ý kiến trong những vấn đề tranh luận xã hội.)
- 'Đánh hội đồng' trên mạng xã hội mùa Covid
- Bình luận mạng xã hội - 'thòng lọng' treo trên đầu mỗi người
- Những YouTuber, TikToker 'đánh sập' quán ăn, nhà hàng
- Đám đông đua nhau 'đánh sập' quán ăn
- Mạng xã hội là nơi khoe khoang sự hoàn hảo
- Thấy mình ở 'dưới đáy xã hội' khi bạn bè flex