PGS.TS.BS. Lê Hoàn, Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết thời tiết lạnh tạo điều kiện cho virus phát triển, tấn công cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc cúm, đặc biệt ở người già, trẻ nhỏ và người có sức đề kháng kém.
Bệnh lây qua đường hô hấp, không khí, giọt bắn từ nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng chứa virus cúm khi bệnh nhân ho, hắt hơi.
Sau Tết, số ca cúm, chủ yếu do virus cúm A, tăng cao. Cúm A có thể gây biến chứng ở trẻ dưới hai tuổi, người trên 65 tuổi, người mắc bệnh mạn tính (hen, viêm phế quản mạn) hoặc suy giảm miễn dịch (HIV, ghép tạng, bệnh khớp dùng thuốc chống viêm).
Người nhiễm cúm thường sốt, ớn lạnh, ho, đau họng, nghẹt mũi, đau cơ, đau đầu, mệt mỏi. Trẻ em có thể nôn mửa, tiêu chảy.
Nếu trẻ chỉ nhiễm virus thông thường, phụ huynh không cần quá lo lắng, dùng kháng sinh hay đưa trẻ đến bệnh viện. Chỉ cần vệ sinh sạch sẽ, giữ ấm, bổ sung dinh dưỡng, bệnh sẽ tự khỏi sau 2-5 ngày.
Bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc khi trẻ bị cúm, như sau:
- Khi trẻ bị sốt, bố mẹ nên chườm ấm bằng khăn mềm hoặc lau người bằng khăn ấm không quá 10 phút.
- Cho trẻ uống nhiều nước, như nước lọc, nước hoa quả, nước súp, oresol...
- Cho trẻ mặc đồ thông thoáng, không đắp chăn, mở thoáng cửa. Khi ra ngoài, trẻ cần được giữ ấm cổ ngực, mang tất để không bị lạnh.
- Khi trẻ bị sốt, bố mẹ nên cho ăn lỏng, thức ăn mềm, nóng ấm.
- Sát khuẩn, vệ sinh hầu họng, giữ vệ sinh răng miệng hàng ngày. Đeo khẩu trang, tránh những nơi quá đông người. Vệ sinh tay thường xuyên.
- Phụ huynh không tự ý mua thuốc kháng sinh liều cao hay lạm dụng thuốc hạ sốt. Thuốc hạ sốt phổ biến hiện nay là paracetamol, khoảng cách giữa hai lần uống thuốc từ 4 đến 6 giờ.
- Không tự ý gọi xét nghiệm chẩn đoán cúm cũng như các xét nghiệm khác dẫn đến hoang mang, lo lắng.
![Khi trẻ có biểu hiện bất thường, bố mẹ cần đưa đi khám để phát hiện bệnh kịp thời. Ảnh: Bệnh viện đa khoa Hùng Vương](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/07/z6292028139249-09f57baa48da2cb-3737-7593-1738896473.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=nRiiW4UDXVx_zTkqqiLwCQ)
Khi trẻ có biểu hiện bất thường, bố mẹ cần đưa đi khám để phát hiện bệnh kịp thời. Ảnh: Bệnh viện đa khoa Hùng Vương
Trường hợp trẻ đã uống thuốc nhưng không hạ sốt, mất nước do nôn, tiêu chảy, mắt trũng, khóc không nước mắt, cần đưa đến bệnh viện để thăm khám.
Trẻ đã được khám, uống thuốc, triệu chứng không cải thiện hoặc xuất hiện triệu chứng mới, phải trở lại bệnh viện để kiểm tra, phòng ngừa bệnh khác hoặc biến chứng.
Thùy An