Một số bệnh nhân ung thư sau khi hóa trị cảm thấy nhạy cảm với nhiệt độ lạnh, được gọi là chứng rối loạn cảm giác lạnh. Tình trạng này khiến bệnh nhân khó chịu khi ăn, uống đồ lạnh hoặc khi tiếp xúc với môi trường lạnh. Rối loạn cảm giác lạnh gây ra các triệu chứng như tê, run, chuột rút ở bàn tay, bàn chân, ngứa ran ở môi, lưỡi hoặc co thắt ở cổ họng và hàm. Nhiều người bị rối loạn cảm giác lạnh có thể cảm thấy đau đớn khi tiếp xúc với các tác nhân lạnh.
Hóa trị khiến bệnh nhân nhạy cảm với nhiệt độ lạnh
Rối loạn cảm giác lạnh thường liên quan đến oxaliplatin, thuốc hóa trị được sử dụng trong điều trị một số loại ung thư như ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tụy, ung thư dạ dày, ung thư thực quản. Tình trạng này có thể xuất hiện rất sớm sau khi truyền hóa chất nhưng cũng có thể xảy ra vài ngày sau đó.
Thời gian bệnh nhân nhạy cảm với nhiệt độ phụ thuộc vào thời gian hóa trị. Ở những lần điều trị đầu tiên, tình trạng này có thể xảy ra trong một hoặc hai ngày. Hóa trị càng nhiều lần thì các triệu chứng càng kéo dài lâu. Với những bệnh nhân đã điều trị ung thư bằng hóa trị trong nhiều tháng, sự nhạy cảm với nhiệt độ có thể kéo dài vài ngày, thậm chí vài tuần.
Cách đối phó với tình trạng nhạy cảm nhiệt độ lạnh
Mức độ nhạy cảm với nhiệt độ lạnh sẽ khác nhau ở từng bệnh nhân nhưng thường được kiểm soát bằng các biện pháp tại nhà. Hiếm khi tình trạng rối loạn cảm giác lạnh khiến bác sĩ phải điều chỉnh liều hoặc thay đổi thuốc cho bệnh nhân. Dưới đây là một số cách giúp bệnh nhân đối phó với tình trạng nhạy cảm nhiệt độ lạnh:
Tránh thức ăn, đồ uống lạnh: bệnh nhân nên tránh các loại thức ăn, đồ uống lạnh, có đá khi thực hiện hóa trị, nhất là khi truyền oxaliplatin. Thay vào đó, người bệnh có thể chọn các món ăn, đồ uống ấm hoặc ở nhiệt độ phòng; nếu được thì sử dụng ống hút khi uống nước.
Mặc thêm đồ ấm: khi phải ra ngoài trong thời tiết lạnh hoặc ngồi phòng điều hòa, bệnh nhân nhạy cảm với nhiệt độ nên mặc thêm áo ấm có cổ cao và tay dài, quần dài, mang tất, choàng khăn và đeo khẩu trang. Bệnh nhân cũng nên đắp thêm chăn để giữ ấm cơ thể trong khi ngủ.
![Uống nước ấm sẽ giúp bệnh nhân đối phó với tình trạng nhạy cảm nhiệt độ lạnh sau hóa trị ung thư. Ảnh: Freepik.](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/04/02/07-2476-1648906135.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6xS7TjIRtE_uI2vo_NUoFA)
Uống nước ấm sẽ giúp bệnh nhân đối phó với tình trạng nhạy cảm nhiệt độ lạnh sau hóa trị ung thư. Ảnh: Freepik.
Trách tiếp xúc trực tiếp với đồ lạnh: người bị nhạy cảm với nhiệt độ lạnh nên mang găng tay khi mở tủ lạnh, tủ đông hoặc khi chạm vào các vật dụng bằng kim loại. Điều hòa không khí trong nhà hoặc xe hơi nển giữ mức thấp nhất và tránh đi chân trần. Khi tắm hoặc rửa tay, bệnh nhân nên đảm bảo nước được giữ ở nhiệt độ thường hoặc ấm.
Tập cách hít thở: nếu phải tiếp xúc với không khí lạnh, hãy hít thở nông để giữ cho đường thở không bị kích ứng.
Làm ấm cơ thể: khi bị lạnh chân, tay hoặc các bộ phận bên ngoài, bệnh nhân có thể xoa và làm ấm phần bị ảnh hưởng. Vận động nhẹ nhàng cũng mang lại hiệu quả tương tự.
Những thay đổi về cảm giác khiến bệnh nhân không cảm thấy nóng như bình thường, dẫn đến nguy cơ bị bỏng khi sử dụng miếng đệm nóng hoặc miếng dán nóng. Vì vậy, bệnh nhân bị rối loạn cảm giác lạnh nên hạn chế sử dụng các sản phẩm này. Rối loạn cảm giác lạnh thường không quá nghiêm trọng và sẽ hết một thời gian ngắn sau đợt hóa trị.
Nếu bị nhạy cảm với nhiệt độ nghiêm trọng, kéo dài hoặc gặp phải các tác dụng phụ khác của hóa trị, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ. Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể cân nhắc đến việc thay đổi phác đồ điều trị cho bệnh nhân.
Phương Quỳnh
(Theo BC Cancer Angency, MSKCC)