Buồn đi tiểu khi nằm là tình trạng chất lỏng tích tụ nhiều trong cơ thể khiến thận, bàng quang làm việc liên tục. Nếu mắc một số bệnh lý như tiểu đường, suy tim sung huyết... bàng quang có thể tích nhiều chất lỏng bất thường, khiến nhu cầu đi tiểu tăng.
Dưới đây là những nguyên nhân gây buồn tiểu khi nằm.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Bệnh lý này chủ yếu xuất hiện ở nữ giới. Người bị nhiễm trùng đường tiết niệu thường cảm thấy đau bụng dưới, đi tiểu liên tục, đau sau mỗi lần tiểu. Ở một số người, tư thế nằm có thể tạo áp lực cho bàng quang, làm tăng nhu cầu đi tiểu. Nếu bàng quang bị nhiễm trùng, số lần đi tiểu sẽ gia tăng vào ban đêm.

Phụ nữ mang thai, gặp hội chứng tiền kinh nguyệt... có thể tăng cảm giác buồn tiểu khi nằm. Ảnh: Freepik
Phù chân
Chân bị sưng, phù nề quá mức có thể do ăn nhiều muối, uống một số loại thuốc, do mang thai, bước vào giai đoạn tiền kinh nguyệt, mắc bệnh thận, xơ gan, hoặc mạch máu tổn thương... Tình trạng này có thể làm tăng nhu cầu đi tiểu khi nằm.
Khi chuyển từ tư thế đứng sang nằm, chất lỏng ở phần dưới của cơ thể có thể di chuyển vào hệ thống tuần hoàn, tới bàng quang để đi đến thận, gây tiểu nhiều.
Bệnh tim mạch
Nghiên cứu do hai chuyên gia của Đại học Chung Ang (Hàn Quốc) thực hiện đã phát hiện 50% người bệnh suy tim có bàng quang bị hoạt động quá mức. Việc dùng một số loại thuốc điều trị suy tim có thể làm lợi tiểu, tăng tần suất xuất hiện các triệu chứng bàng quang tăng hoạt.
Các chuyên gia nhận định người bệnh suy tim thường bị phù nề ở phần dưới của cơ thể. Ở tư thế nằm, tim không phải hoạt động nhiều nhưng chất lỏng từ các khu vực bị sưng trên cơ thể có thể tới bàng quang, làm tăng nhu cầu đi tiểu.
Tiểu đường
Đi tiểu nhiều lần là một triệu chứng phổ biến của bệnh tiểu đường do lượng đường trong máu tăng cao. Bệnh tiểu đường thường liên quan đến các yếu tố như béo phì, tuần hoàn kém, mắc bệnh tim mạch, bệnh thận, tác dụng phụ của thuốc... Đây là nguyên nhân khiến phần dưới cơ thể dễ phù nề, dẫn đến tăng nhu cầu đi tiểu khi nằm. Tiểu đường có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu.
Ngoài các nguyên nhân trên, phụ nữ có tử cung, buồng trứng mở rộng, mang thai, mắc ung thư... có thể cảm thấy buồn tiểu khi nằm. Cụ thể, tử cung mở rộng gây áp lực lên bàng quang, làm tăng cảm giác đi tiểu. Ở tư thế nằm, bàng quang chịu áp lực lớn gây buồn tiểu liên tục. Khi phụ nữ mang thai, sinh con, chức năng cơ sàn chậu có thể bị rối loạn dẫn đến tình trạng đi tiểu thường xuyên, tiểu không tự chủ. Tình trạng này có thể xảy ra sau khi sinh.
Với nam giới, phì đại tuyến tiền liệt và viêm tuyến tiền liệt là hai tình trạng dẫn đến tăng nhu cầu đi tiểu khi nằm. Phì đại tuyến tiền liệt là tình trạng phổ biến ở đàn ông hơn 50 tuổi, có thể gây áp lực lên bàng quang, làm tăng cảm giác buồn tiểu.
Còn viêm tuyến tiền liệt là hiện tượng tuyến tiền liệt bị viêm, gây tiểu nhiều vào ban đêm. Nam giới 30-50 tuổi dễ gặp phải tình trạng này. Nằm quá lâu ở một số tư thế nhất định có thể làm tăng số lần đi tiểu.
Nếu đi tiểu thường xuyên, buồn tiểu khi nằm, tiểu buốt... mỗi người cần đi khám sớm. Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp như kê đơn thuốc kháng sinh, tư vấn thay đổi lối sống hoặc phẫu thuật.
Minh Thúy (Theo Healthline)