Tăng đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường gây tổn thương nội mô mạch máu, viêm mạn tính, tổn thương thực thể và chức năng ở một số hệ thống, cơ quan.
Bác sĩ, tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, các biến chứng tiêu hóa của bệnh tiểu đường xảy ra do nhu động ruột bất thường, là hậu quả của bệnh lý thần kinh tự chủ do tiểu đường liên quan đến đường tiêu hóa. Dưới đây là một số biến chứng tiêu hóa có thể gặp ở người bệnh tiểu đường.
Trào ngược dạ dày thực quản
Đường huyết cao liên tục có thể gây co thắt tự phát và suy giảm trương lực cơ thắt thực quản dưới, dẫn đến chứng ợ chua và khó nuốt. Rối loạn vận động hoặc trào ngược thực quản xảy ra ở một số ít bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường.
Các yếu tố khác có thể góp phần gây trào ngược liên quan đến tiểu đường như béo phì, giảm bài tiết hợp chất bicarbonat từ tuyến mang tai. Để hạn chế tình trạng bệnh, người bệnh cần kiểm soát đường huyết và sử dụng thuốc giảm triệu chứng trào ngược theo chỉ định của bác sĩ.
Liệt dạ dày
Bệnh tiểu đường là nguyên nhân phổ biến nhất của liệt dạ dày. Lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến liệt dạ dày do các dây thần kinh điều khiển di chuyển thức ăn bị tổn thương, các cơ hoạt động yếu làm chậm hoạt động tiêu hóa. Triệu chứng của liệt dạ dày như có cảm giác no sớm, buồn nôn, nôn, đầy bụng, đau bụng.
Theo bác sĩ Khanh, với người bình thường, sau ăn 2 giờ, 80% thức ăn đã được chuyển xuống tá tràng, nhưng ở người tiểu đường bị liệt dạ dày, quá trình này xảy ra chậm hơn do lượng đường trong máu cao làm tổn thương thần kinh. Liệt dạ dày làm ảnh hưởng đến tốc độ cơ thể hấp thụ thức ăn, gây khó khăn trong việc điều chỉnh insulin phù hợp với khẩu phần thức ăn. Quản lý bệnh tiểu đường có thể giúp bạn kiểm soát liệt dạ dày, ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
![Người bị tiểu đường dễ gặp các vấn đề tiêu hóa nếu kiểm soát bệnh kém. Ảnh: Freepik](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2023/01/31/man-standing-with-stomachache-3424-4883-1675128465.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VuuxXplpH6up0P0UidXAyg)
Người bị tiểu đường dễ gặp các vấn đề tiêu hóa nếu kiểm soát bệnh kém. Ảnh: Freepik
Bệnh đường ruột
Bệnh đường ruột ở người tiểu đường thường có các triệu chứng như tiêu chảy, táo bón, táo bón xen kẽ tiêu chảy hoặc đại tiện không tự chủ. Tiến sĩ Khanh dẫn nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ tiêu chảy ở bệnh nhân tiểu đường từ 4-22%. Suy giảm khả năng vận động ruột non có thể dẫn đến hội chứng ứ trệ gây tiêu chảy. Tình trạng tăng nhu động do giảm ức chế giao cảm, suy tụy, phân mỡ và kém hấp thu muối mật cũng gây ra tiêu chảy.
Chức năng cơ vòng hậu môn bên trong và bên ngoài bất thường do bệnh thần kinh dẫn đến đại tiện không tự chủ. Điều trị táo bón và tiêu chảy liên quan đến bệnh tiểu đường nhằm vào các biện pháp hỗ trợ và kiểm soát triệu chứng.
Gan nhiễm mỡ không do rượu
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu thường gặp ở người béo phì và mắc bệnh tiểu đường type 2. Trong một số trường hợp, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu tiến triển thành viêm gan nhiễm mỡ không do rượu với các mức độ viêm và xơ hóa khác nhau. Trong những trường hợp rất hiếm có thể dẫn đến xơ gan. Tất cả những bệnh nhân béo phì nặng và mắc tiểu đường đều bị gan nhiễm mỡ ở một mức độ nào đó.
Ở những người tiểu đường có nồng độ men gan tăng cao có thể gây ra bệnh gan, gồm viêm gan và bệnh hemochromatosis. Giảm cân và kiểm soát lượng đường trong máu, sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ có thể giúp giữ nồng độ men gan ở mức bình thường.
Sỏi mật
Đường huyết cao do mắc tiểu đường thời gian dài làm suy giảm co bóp túi mật khiến cho mật ứ lại không tiết hết xuống ruột. Ngoài ra trong bệnh tiểu đường thường có tăng mỡ máu dẫn đến tăng khả năng tạo sỏi; từ đó, gây tiêu hóa thức ăn kém và ứ trệ mật dễ hình thành sỏi, gây viêm túi mật. Một số triệu chứng điển hình của viêm túi mật là đau vùng hạ sườn bên phải, sốt cao kèm rét, đường máu tăng bất thường.
Tiến sĩ Khanh khuyên rằng, để tránh các biến chứng đường tiêu hóa, người bệnh tiểu đường cần giữ chỉ số đường huyết u ổn định, chế độ sinh hoạt ăn uống khoa học như uống nhiều nước, sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, ăn nhiều bữa nhỏ, tránh hút thuốc và đồ uống có cồn. Nếu các triệu chứng tiêu hóa không cải thiện, bạn nên thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị.
Lục Bảo