Bệnh thận tiến triển 10-20 năm
Bệnh thận giai đoạn cuối là tình trạng thận ngừng hoạt động hoặc chỉ còn hoạt động khoảng 15% chức năng so với bình thường. Lúc này, độ lọc cầu thận (GFR) chỉ chưa đến 15 ml/phút/1,73 m2 da.
Bệnh thận giai đoạn cuối không xảy ra đột ngột mà là kết quả của bệnh thận mạn tính (CKD) tiến triển nặng theo thời gian. CKD được chia thành 5 giai đoạn, với độ dài của mỗi giai đoạn khác nhau, phụ thuộc vào cách điều trị bệnh, chế độ ăn uống... của từng người bệnh. Bệnh thận mạn thường tiến triển đến giai đoạn cuối, tức giai đoạn 5, khoảng 10-20 năm sau khi được chẩn đoán.
Tiểu đường gây bệnh thận thường gặp
Tiểu đường cùng tăng huyết áp là nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh thận giai đoạn cuối. Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể không thể phân hủy glucose (đường) như bình thường. Nồng độ glucose cao trong máu làm hỏng nephron - các đơn vị lọc nhỏ trong thận. Điều này dẫn đến tình trạng lọc máu kém, cuối cùng dẫn đến suy thận.
Nếu tăng huyết áp, áp lực gia tăng lên các mạch máu nhỏ trong thận dẫn đến tổn thương, cản trở nhiệm vụ lọc máu. Do đó, người bệnh tiểu đường, tăng huyết áp cao có nguy cơ mắc bệnh thận cao. Các nguyên nhân khác gây bệnh thận giai đoạn cuối bao gồm tắc nghẽn đường tiết niệu kéo dài do sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt hoặc một số loại ung thư, viêm cầu thận, trào ngược bàng quang niệu quản, khiến nước tiểu chảy vào thận.
Diễn tiến âm thầm, khó nhận biết
Thận loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể, giúp tạo ra các tế bào hồng cầu và hỗ trợ kiểm soát huyết áp. Khi thận không hoạt động tốt, nhiều bộ phận của cơ thể không thể hoạt động bình thường, dẫn đến các vấn đề sức khỏe. Song tình trạng này thường diễn tiến dần dần, âm thầm theo thời gian, nên người bệnh thậm chí không biết cho đến khi bắt đầu có các triệu chứng do suy thận.
Theo Quỹ Thận Quốc gia Mỹ, các triệu chứng thường bao gồm khó ngủ, giảm cảm giác thèm ăn, cơ thể yếu, mệt mỏi, da khô ngứa, giảm cân không chủ ý, chuột rút (nhất là ở chân), sưng bàn chân hoặc mắt cá chân, thiếu máu, khó tiểu, giảm lượng nước tiểu, nôn mửa... Các triệu chứng khác như khó tập trung, da sáng hoặc tối bất thường, khát nước quá mức, da dễ bị bầm tím, chảy máu cam.
Hai phương pháp điều trị
Không có cách chữa khỏi bệnh thận giai đoạn cuối, song người bệnh có thể kéo dài sự sống nếu bệnh được điều trị và quản lý đúng cách. Các phương pháp điều trị chính bao gồm lọc máu (chạy thận nhân tạo) và ghép thận.
Phương pháp lọc máu sử dụng các thiết bị máy móc thay thế thận bài tiết chất thải và chất lỏng dư thừa trong máu. Tuy vậy, người bệnh vẫn có thể gặp một số vấn đề sức khỏe do suy thận. Ngay cả khi chạy thận, tỷ lệ tử vong do bệnh thận giai đoạn cuối vẫn tồn tại và thường xảy ra do tăng kali máu (kali cao) hoặc các biến chứng khác. Theo Quỹ thận Quốc gia Mỹ, tỷ lệ sống sau 5 năm khi chạy thận là khoảng 35%.
Ghép thận giúp người bệnh có một quả thận khỏe mạnh bằng cách cấy ghép thông qua phẫu thuật. Tỷ lệ thất bại của thận ghép thấp, hầu như thành công, song nguồn thận để cấy ghép rất ít.
Thay đổi lối sống giúp kiểm soát bệnh
Một số trường hợp không muốn chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận có thể được bác sĩ chỉ định điều trị triệu chứng bệnh bằng các loại thuốc và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng.
Tích tụ chất lỏng dư thừa trong cơ thể có thể khiến cân nặng thay đổi nhanh chóng. Vì vậy, theo dõi cân nặng rất quan trọng. Người bệnh cũng có thể cần tăng lượng calo nạp vào và giảm lượng protein tiêu thụ. Chế độ ăn ít natri, kali, phốt pho và các chất điện giải khác cùng với hạn chế chất lỏng giúp làm chậm hoặc ngăn ngừa bệnh tiến triển.
Người bệnh thận giai đoạn cuối nên hạn chế thực phẩm quá nhiều natri hoặc kali như chuối, cà chua, cam, chocolate, các loại hạt và bơ đậu phộng. Rau cải bó xôi, quả bơ, các loại nước sốt, thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn và đồ ăn nhanh hoặc đông lạnh cũng cần hạn chế. Người bệnh cần tránh rượu bia, khám sức khỏe định kỳ để bác sĩ đánh giá chức năng thận, điều trị phù hợp.
Anh Ngọc (Theo Healthline)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |