"Đây là trường hợp ung thư tuyến giáp nhỏ tuổi nhất chúng tôi điều trị", ThS.BS.CKII Đoàn Minh Trông, khoa Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nói hôm 21/5.
Bé Đức có hạch lớn ở cổ, kết quả sinh thiết xác định ung thư tuyến giáp, tế bào ác tính đã di căn sâu, rộng vào nhóm hạch cổ số 6 và cổ hai bên. Sau phẫu thuật cắt tuyến giáp, nạo hạch cổ, bé uống iốt phóng xạ ngừa ung thư tái phát.
Cuộc phẫu thuật gặp khó vì tuyến giáp của bệnh nhi có cấu trúc nhỏ, dây thần kinh hồi thanh quản, hai tuyến cận giáp mỏng, dính chặt vào mô xung quanh, nếu không tách cẩn thận dễ chảy máu ồ ạt và khiến người bệnh khàn giọng, mất giọng vĩnh viễn. Bác sĩ bóc tách các dây thần kinh hồi thanh quản khỏi tuyến giáp, sau đó cắt toàn bộ tuyến giáp, tìm và xác định các hạch cổ di căn để nạo.
Hậu phẫu, bé không bị khàn giọng hay gặp các biến chứng tê tay, hụt hơi, tiếp tục uống iốt phóng xạ ngăn ung thư tái phát. Nhờ điều trị kịp thời, tiên lượng khỏi bệnh của bé Đức có thể lên đến 90%. Điều trị ung thư tuyến giáp không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này của bé, theo bác sĩ Trông.

Bác sĩ Trông kiểm tra sức khỏe bé Đức sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) ước tính năm 2022, Việt Nam ung thư tuyến giáp đứng vị trí thứ 6. Bệnh phổ biến ở người 40-70 tuổi, ít gặp ở trẻ em, có gặp cũng trong nhóm 15-19 tuổi.
Bác sĩ Trông cho biết ung thư tuyến giáp ở trẻ em phát triển nhanh hơn người lớn. Thông thường, ở người lớn, thời gian để tế bào tuyến giáp ác tính di căn hạch cổ mất 6-12 tháng, thậm chí nhiều năm. Ở trẻ em, thời gian này có thể khoảng 6 tháng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh di căn đến hạch thượng đòn, phổi, xương, não... gây khó điều trị, ảnh hưởng đến tiên lượng sống. Tuy nhiên, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời, ung thư tuyến giáp ở trẻ em có tiên lượng tốt, cơ hội chữa khỏi cao, ngay cả khi di căn hạch cổ.
Hạch cổ là vị trí mà tế bào tuyến giáp ác tính thường di căn đến. Khối u lây lan sang vùng quanh cổ, làm xuất hiện các hạch nhỏ xung quanh khu vực này. Khi trẻ nổi hạch cổ, đau họng, nuốt khó, sốt tái đi tái lại... sau 1-2 tuần không khỏi, cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa Ngoại vú - Đầu mặt cổ khám để tìm nguyên nhân, điều trị kịp thời. Một số trường hợp, ung thư tuyến giáp hoặc tình trạng di căn hạch cổ không biểu hiện triệu chứng, chỉ phát hiện khi tái khám định kỳ, được siêu âm kiểm tra.
Hiện, chưa rõ nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp ở trẻ. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ như viêm giáp tự miễn, gia đình có nhiều người mắc ung thư tuyến giáp... Phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật cắt tuyến giáp, nạo hạch cổ, uống iốt phóng xạ, dùng thuốc ức chế nội tiết TSH (hormone do tuyến giáp sản xuất). Sau điều trị, người bệnh nên tái khám định kỳ với bác sĩ để được theo dõi, kiểm tra sát.
Nguyễn Trăm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |