Các cụ có câu: ''Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra''. Người Việt chúng ta từ xa xưa rất trân trọng chữ ''hiếu'', luôn thể hiện sự biết ơn đối với công lao nuôi dưỡng của đấng sinh thành.
Tuy nhiên trong thực tế hiện nay, bên cạnh một số ít phụ huynh dạy con một cách khoa học và khéo léo thì phần lớn cha mẹ ở Việt Nam thường có xu hướng lạm dụng quyền hành trong việc giáo dục con cái, thậm chí nhiều bậc phụ huynh vẫn còn có suy nghĩ "Cha mẹ đặt đâu, con nằm đấy'' do bị ảnh hưởng bởi tư tưởng Nho giáo cổ hủ, lạc hậu.
Sau đây, là một vài đặc điểm điển hình trong việc dạy con cái của nhiều bậc cha mẹ nêu tên mà tôi đúc kết được:
- Áp đặt, luôn cho rằng lời nói của bản thân mình là đúng, không bao giờ lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con cái, mỗi khi con cái nêu ý kiến hay giải thích thì bị quy chộp là hay cãi, hay trả treo; dùng những từ ngữ thóa mạ, xúc phạm con cái; mỗi khi tranh luận với con cái mà đuối lý là bắt đầu chửi bới, dùng đòn roi, bạo lực để trấn áp.
- Khi con cái sai thì bắt con phải xin lỗi, nhưng khi bản thân mình sai thì một câu xin lỗi cũng không có.
- Không tôn trọng định hướng nghề nghiệp của con cái. Ví dụ con cái muốn theo đuổi nghề sale, marketing... nhưng lại bắt nó làm kế toán vì lý do đó là nghề truyền thống của gia đình.
- Soi mói, xét nét trong mọi hành động của con cái và dùng vũ lực mỗi khi con cái không theo ý mình. Không tôn trọng sở thích, cá tính của con.
- Cậy quyền người lớn để xâm phạm quyền riêng tư của con cái. Ví dụ: Xem trộm thư từ, tin nhắn, thậm chí là những biện pháp cực đoan hơn như lắp camera trong phòng ngủ của con, cài định vị...
- Nói rất nhiều, nói đủ thứ đạo lý trên trời dưới biển nhưng bản thân thì chẳng bao giờ tuân thủ để làm gương. Ví dụ: Dạy con phải tuân thủ luật pháp nhưng bản thân khi tham gia giao thông rất hay vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm.
>> Vợ chồng trẻ mang thân phận 'bánh mì kẹp'
- Ép con cái phải kết hôn với người theo ý muốn của cha mẹ (chuyện này vẫn còn tồn tại ở một số gia đình hiện nay). Nếu con cái phản đối thì dọa sẽ từ mặt con.
Trên đây là một vài đặc điểm điển hình, nếu còn sót điểm nào thì mong quý vị độc giả góp ý và bổ sung thêm. Hy vọng bài viết này của tôi sẽ thay đổi phần nào trong nhận thức của nhiều phụ huynh Việt Nam hiện nay.
Đối với những bạn trẻ nào mà đang rơi vào tình trạng cha mẹ lạm quyền thì các bạn hãy thẳng thắn nói chuyện với bố mẹ của mình. Nếu việc đàm phán không có hiệu quả thì các bạn hãy cố gắng ra ở riêng để lập nghiệp càng sớm càng tốt, nếu cần thiết các bạn có thể cắt đứt liên lạc hoàn toàn với bố mẹ nếu cảm thấy phụ huynh có phần quá đáng. Khi các bạn kết hôn thì đừng bao giờ lặp lại những sai lầm của bố mẹ đối với con cái của mình nhé.
Hoàng Cân
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.