Tiểu thuyết đầu tay của tác giả Bonnie Garmus có tên gốc Lessons in chemistry, xuất bản năm 2022, ra mắt độc giả Việt hồi tháng 6. Sách được độc giả trên thế giới đón nhận, bán bản quyền cho 42 quốc gia trong chưa đầy hai năm và chuyển thể thành phim cùng tên do Brie Larson đóng chính.

Bìa "Bài học môn hóa", sách 440 trang, Nhã Nam và NXB Văn học liên kết ấn hành. Ảnh: Nhã Nam
Truyện lấy bối cảnh những năm 1960, xoay quanh bà mẹ đơn thân Elizabeth Zott, cô "cao ráo và góc cạnh, mái tóc màu bánh mì nướng phết bơ được búi ra sau và cố định bằng bút chì, môi đỏ mọng đầy ngang ngạnh, da trắng sáng, mũi thẳng". Elizabeth từng là nhà hóa học nhưng không được công nhận tại nơi làm việc. Để nuôi con, cô gác lại giấc mơ khoa học, trở thành người dẫn "bất đắc dĩ" của Bữa tối lúc sáu giờ, chương trình nấu ăn cho các bà nội trợ. Không chỉ hướng dẫn kiến thức làm bếp, Elizabeth lồng ghép bài giảng hóa học, truyền cảm hứng để phụ nữ đứng lên thay đổi số phận, dũng cảm theo đuổi đam mê.
Traler "Lessons in Chemistry", phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên, ra mắt năm 2023. Video: Apple TV
Phần đầu, truyện khắc họa chuyện tình của Elizabeth với Calvin Evans, nhà khoa học được đề cử giải Nobel. Họ gặp nhau tại viện nghiên cứu Hasting, nơi cô từng làm việc và nhanh chóng rơi vào lưới tình. Khác với xã hội gia trưởng thời đó, Calvin luôn tôn trọng, ủng hộ người yêu, anh từng ngỏ lời cầu hôn nhưng Elizabeth từ chối vì muốn theo đuổi sự nghiệp. Tuy nhiên, mối tình sớm đứt đoạn do Calvin qua đời vì tai nạn, không lâu sau đó, Elizabeth phát hiện mang thai. Cô bị đồn chửa hoang, sếp cho rằng cô lợi dụng Calvin để thăng tiến nên lấy cớ sa thải.
Tác phẩm lên án những bất công dành cho phụ nữ thời bấy giờ. Elizabeth và đồng nghiệp nữ từng bị quấy rối, bị cướp công trình nghiên cứu. Sách miêu tả "một xã hội tin rằng đàn ông đi làm và gánh vác những việc trọng đại - khám phá các hành tinh, phát triển sản phẩm, hoạch định luật lệ - còn phụ nữ thì ngồi nhà nuôi dạy con cái". Tác giả chỉ ra thực trạng đáng buồn, phụ nữ không thể đạt mức học vấn cần thiết để làm việc. "Và cả khi theo học được đại học, họ cũng sẽ không bao giờ được đặt chân vào một nơi như Cambridge. Vậy tức là họ sẽ không được trao cơ hội tương đương".
Tiểu thuyết tôn vinh giá trị của công việc nội trợ. Dù nhận lời tham gia chương trình truyền hình chỉ để kiếm sống sau khi bị sa thải, Elizabeth âm thầm tạo nên một cuộc cách mạng. Cô phá bỏ hình mẫu rập khuôn "tóc phồng, váy bó, phim trường ấm cúng. Mẫu hình cô vợ gợi cảm kiêm bà mẹ yêu thương mà mọi người đàn ông đều muốn nhìn thấy sau khi đi làm về", trực tiếp nói với hàng triệu phụ nữ rằng họ đang làm công việc thiêng liêng.
Trong một lần lên sóng, nhân vật nói: "Đã là bà nội trợ thì chẳng có chuyện họ không đặc biệt. Theo kinh nghiệm của tôi, có quá nhiều người xem nhẹ công việc và sự hy sinh của một người vợ, một người mẹ, một người phụ nữ".
Vừa nấu ăn, cô vừa so sánh các loại thực phẩm với thành phần hóa học, dinh dưỡng một cách hài hước: "Nhiều người tin rằng rau chân vịt giúp ta trở nên khỏe mạnh, nhưng thật ra, rau chân vịt chứa nhiều acid oxalic, một chất ức chế khả năng hấp thụ sắt. Vì vậy, khi Popeye bảo mình khỏe lên nhờ rau chân vịt, đừng tin". Chương trình tạo nên những thay đổi tích cực, khiến một khán giả nữ theo đuổi ước mơ làm bác sĩ, dũng cảm thoát khỏi cuộc hôn nhân không tình yêu.
Dù chương trình nổi tiếng, Elizabeth vẫn canh cánh ước mơ khoa học. Truyện kết thúc với cảnh cô quyết tâm thực hiện nghiên cứu còn dang dở với sự giúp đỡ của nhiều phụ nữ, gồm con gái Madeline, bác hàng xóm Harriet, cô đồng nghiệp cũ Frask. Họ cùng sát cánh, vượt lên định kiến giới.
Tác phẩm gửi gắm thông điệp nữ quyền, yêu bản thân. Sách có đoạn: "Làm mẹ là công việc khó nhất trần đời. Hãy dành ra chút thời giờ cho bản thân. Một chút thời giờ em đặt chính mình lên trên hết. Chỉ mỗi em thôi. Trong khoảnh khắc ấy, bất cứ điều gì em cần, em muốn, em tìm kiếm, hãy kết nối trở lại với nó". Đồng thời, theo tác giả, không nên gán công việc nội trợ cho phụ nữ, họ có thể làm nhiều việc, từ công việc văn phòng đến nghiên cứu, trở thành nhà khoa học.
Theo The Guardian, với giọng văn châm biếm sắc sảo, Bonnie Garmus đã viết nên một tác phẩm hài hước với nhân vật trung tâm luôn thản nhiên, điềm tĩnh trước biến cố. Không theo hình tượng xã hội định hình lên phụ nữ, Elizabeth quyết sống vì mình, vì con gái. Cô để con đọc sách khoa học, xem thí nghiệm hóa học và chơi thể thao.
Song, ở một số phần, điểm nhìn của tiểu thuyết chưa nhất quán, khai thác góc nhìn từ nhiều nhân vật phụ khiến mạch truyện rối.
Bonnie Garmus, 68 tuổi, người Mỹ, là copywriter, giám đốc sáng tạo về lĩnh vực công nghệ, y tế, giáo dục. Năm 2022, nhờ Bài học môn hóa, bà nhận nhiều giải thưởng như British Book Awards hạng mục Tác giả của năm, giải Waterstones, Paul Torday Memorial Prize cho tiểu thuyết đầu tay của tác giả ngoài 60.
Châu Anh