Một người dùng mạng xã hội Threads chia sẻ câu chuyện đi ăn khuya cùng bố và anh trai tại một quán bún riêu ở Hà Nội, đêm mùng một Tết (29/1).
Không hỏi giá trước, đến khi tính tiền, họ giật mình khi được báo giá 1,2 triệu đồng cho ba tô bún riêu. Sau khi đưa bằng chứng chuyển khoản, chủ quán mới xin lỗi và hỏi thông tin để hoàn tiền thừa.
Tôi thấy câu chuyện này không chỉ là một vụ việc cá biệt mà phản ánh ba vấn đề xã hội đáng suy ngẫm:
Thứ nhất, tại sao không phản hồi ngay? Khi thấy giá vô lý, lẽ ra khách hàng nên thắc mắc ngay lúc đó thay vì để sự việc bùng lên trên mạng xã hội. Trong thời đại công nghệ, có nhất thiết phải đưa mọi chuyện lên mạng để giải quyết?
Thứ hai, thanh toán không tiền mặt - con dao hai lưỡi. Chuyển khoản giúp lưu lại bằng chứng, nhưng nếu không kiểm tra kỹ, cả người mua lẫn người bán đều có thể gặp rắc rối. Có không ít trường hợp chuyển thiếu tiền hoặc giả mạo giao dịch.
Thứ ba, sự bất cẩn trong thanh toán điện tử. Nhiều chủ quán vì bận rộn không kiểm tra ngay khách đã chuyển bao nhiêu, dẫn đến thất thoát.
Một bà chủ tiệm tạp hóa từng than phiền với tôi có khách mua thùng bia nhưng chuyển khoản thiếu, hoặc nhiều vụ lợi dụng sơ hở để lừa đảo, giả hoá đơn chuyển khoản, mà người bán không kiểm tra thông báo nhận được tiền từ ứng dụng ngân hàng...
Từ vụ việc này, đặt ra bài học về thói quen mua bán, sự tỉnh táo của khách hàng và trách nhiệm của người bán.
Công nghệ giúp giao dịch thuận tiện hơn, nhưng sự minh bạch và cẩn trọng mới là yếu tố quyết định trong mỗi giao dịch.
Việt Hưng