Bước sang tuổi 50, tôi tự hào về những kinh nghiệm sống mà mình tích lũy được qua từng năm tháng. Tôi cho rằng mình đã có đủ sự hiểu biết để đối diện với hầu hết tình huống trong cuộc sống. Tuy nhiên, những tình huống gần đây lại khiến tôi nhận ra rằng đôi khi, chính những người trẻ tuổi, những đứa con của chúng ta, lại có thể dạy mình những bài học lớn về ý thức.
Vào những ngày cuối năm, tôi chở con gái đi mua sắm Tết. Dừng xe tại chợ hoa, tôi nhìn thấy một cô bán hoa đào rất xinh đẹp. Tôi bỗng nảy ra ý tưởng muốn chụp một bức ảnh chung với cô bán hoa, như trào lưu "sống ảo" mà bọn trẻ ngày nay vẫn thường làm. Tôi nghĩ rằng đây sẽ là một khoảnh khắc thú vị để chia sẻ với bạn bè.
Tuy nhiên, cô bán hoa đã xua tay và từ chối: "Không, em không cho chụp mặt đâu, còn chị muốn chụp hoa thì thoải mái". Tôi hơi ngạc nhiên trước phản ứng này của cô. Một cảm giác khó chịu dâng lên trong tôi và trong vô thức, tôi lớn tiếng: "Tôi mua hoa cho cô, xin chụp chung một kiểu về đăng Facebook thì có sao đâu?".
Lúc này, con gái tôi nghe thấy, buồn bã nói với sang: "Mẹ bị sao vậy, sao mẹ lại mắng cô ấy như thế? Cô ấy không cho chụp thì thôi chứ". Lời nói ấy khiến tôi bỗng giật mình, tự cảm thấy xấu hổ. Rồi tôi nhận ra rằng mình đã sai. Cô bán hoa có quyền từ chối việc xuất hiện trên trang mạng xã hội, của tôi và con gái đã dạy tôi một bài học về việc tôn trọng quyền riêng tư của người khác.
>> 'Bố mẹ giả điếc để con leo lên xe tăng trong bảo tàng Lịch sử Quân sự'
Một hôm khác, chúng tôi vào một quán ăn bên đường. Sau khi gọi món, tôi đợi khá lâu mà không thấy đồ ăn được mang ra. Cảm thấy bực bội, tôi lớn tiếng với nhân viên phục vụ: "Sao lâu vậy em?". Con gái tôi, ngồi cạnh, nhẹ nhàng lên tiếng: "Mẹ phải ngồi đợi theo thứ tự chứ. Người vào trước mình cũng đã có đồ ăn đâu". Tôi lại chột dạ, nhận ra mình đã quá nóng vội mà không hiểu rằng mọi thứ có thể được giải quyết một cách từ tốn. Lẽ ra tôi phải kiên nhẫn hơn, và không phải lúc nào cũng cần phải thể hiện sự vội vàng.
Sau khi ăn xong, tôi lại theo thói quen dùng rất nhiều giấy để lau miệng, lau tay, lau mặt, thậm chí lau cả giày dép rồi tiện tay vứt luôn xuống đất. Con gái tôi nhìn tôi một cách nghiêm túc và nói: "Sao mẹ không vứt giấy vào thùng rác, ngay dưới gầm bàn đó?". Tôi đã quen với việc vứt rác bừa bãi trong quán ăn, nghĩ rằng dọn dẹp là việc của nhân viên, nhưng giờ con gái lại nhắc nhở tôi về ý thức giữ gìn vệ sinh và tôn trọng không gian chung.
Mặc dù tất cả những tình huống này đều khá đơn giản, nhưng chúng lại phản ánh một điều quan trọng: chúng ta, những bậc cha mẹ, đôi khi cũng cần học hỏi từ chính con cái của mình. Con trẻ có khả năng nhìn nhận thế giới với một cái nhìn sắc bén, biết tôn trọng sự tự do, quyền riêng tư của người khác, kiên nhẫn và khéo léo trong cách ứng xử. Trong khi đó, chính chúng ta, với những kinh nghiệm sống dày dặn, lại đôi khi quên mất những điều cơ bản ấy.
Ngày nay, nhiều bậc phụ huynh thường nghĩ rằng mình luôn đúng và dễ dàng bỏ qua những lời của con cái. Họ cho rằng thế hệ đi trước luôn có nhiều kinh nghiệm sống hơn và nói gì cũng hay, làm gì cũng đúng. Nhưng chính con gái đã dạy tôi rằng đôi khi, chính những đứa trẻ lại có thể là những người thầy giúp người lớn hoàn thiện bản thân. Con cái, dù còn nhỏ hay đã trưởng thành nhưng chính chúng cũng có thể dạy cho chúng ta rất nhiều điều trong cuộc sống, phải không?
Ng. Tuyết
- Tôi thành 'bà cô khó ở' vì nhắc nhở đám đông ồn ào trong thang máy
- Các 'bà thím' vô ý thức ở phòng gym
- Hai thái độ của nhân viên siêu thị ở Việt Nam và Mỹ khi tôi bị chen hàng
- Thói bon chen vô nghĩa nơi công cộng của nhiều người Việt
- Những người đi máy bay vô ý thức
- Bất lực với đám đông chen lấn, giành chỗ