Ngủ là thời gian để cơ thể điều chỉnh quá trình trao đổi chất, chức năng tim, kiểm soát hormone gây căng thẳng và testorsteron. Tuy nhiên, theo một số thống kê, cứ 3 người đàn ông thì có một người ngủ ít hơn bảy tiếng mỗi đêm, điều này kéo theo nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó có suy giảm hormone nam testosterone.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Chicago (Mỹ) nhận thấy rằng, ở thanh niên lượng testosteron giảm từ 10-15% sau một tuần chỉ ngủ 5 tiếng mỗi đêm. Đây là mức sụt giảm lớn nếu so sánh với mức sụt giảm testosteron trung bình ở đàn ông trên 30 tuổi là 1- 2% mỗi năm . Ngoài ra, ngủ ít cũng có thể làm giảm khả năng sinh sản và số lượng tinh trùng. Bên cạnh đó, một số hội chứng về chuyển hóa, nhịp độ sinh học, chứng ngưng thở khi ngủ đều gây ảnh hưởng gián tiếp đến hormone nam giới.
Hội chứng chuyển hóa
Theo Health Central, ngủ quá ít hoặc giấc ngủ gián đoạn gây rối loạn quá trình trao đổi chất, tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, béo phì và hội chứng chuyển hóa. Trong đó, hội chứng chuyển hóa là nhóm tình trạng có triệu chứng như béo bụng; đường huyết, cholesterol và huyết áp cao.
Theo các chuyên gia, những người mắc hội chứng chuyển hóa thường có lượng testosterol thấp, nguyên nhân của sự sụt giảm này vẫn chưa rõ ràng. Có thể các mô mỡ làm giảm nồng độ testosterone hoặc testosterone thấp là một phần hội chứng chuyển hóa.
Nhịp độ sinh học của giấc ngủ
Testosterone cũng có nhịp sinh học, nếu muốn, bạn có thể điều chỉnh theo lịch ngủ nghỉ của cơ thể. Theo đó, nồng độ testosterone cao nhất là vào buổi sáng và hạ thấp nhất vào buổi tối. Khi bạn ngủ, tuyến yên trong não sẽ gửi tín hiệu để cơ thể sản xuất testosterone. Vì vậy, mỗi người cần 3-4 tiếng ngủ liên tục mỗi đêm để đảm bảo nhịp độ này diễn ra bình thường.
Giấc ngủ kém diễn ra trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể căng thẳng cao độ, dẫn đến mất cân bằng nồng độ testosterone. Khi bị stress, cơ thể sẽ giải phóng nhiều hormone ức chế cortisol. Nếu cortisol tăng, testosterone sẽ giảm và ngược lại... Điều này càng đẩy nhanh sự thiếu hụt testosterone, ảnh hưởng đến ham muốn tình dục, khả năng cương cũng như sinh sản.
Chứng ngưng thở khi ngủ
Hội chứng ngưng thở khi ngủ (OSA) là tình trạng rối loạn giấc ngủ khiến người bệnh có những cơn ngưng thở hoàn toàn, lặp lại ít nhất 10 lần trong mỗi giấc ngủ đêm. Theo thống kê, nam giới có nguy cơ mắc hội chứng này cao hơn nữ giới đến hai lần. Đặc biệt, người bị béo phì, có nhiều mỡ quanh cổ có nguy cơ cao mắc OSA. Hội chứng này làm gián đoạn và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ nên có thể khiến nồng độ testosterone giảm và tăng nguy cơ mắc rối loạn cương dương.
Chứng ngưng thở khi ngủ có thể điều trị được, các phương pháp thường áp dụng bao gồm giảm cân, thay đổi lối sống, đeo nẹp hàm hoặc liệu pháp áp lực đường thở dương liên tục. Các chuyên gia cho biết việc điều trị chứng ngưng thở khi ngủ cho thấy mức testosteron tăng lên ở nhiều bệnh nhân, vì vậy, cải thiện giấc ngủ sẽ giúp ích cho hormone nam tính.
Thảo Miên (Theo Health Central)