BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống Tiêm chủng VNVC cho biết như trên trong bối cảnh cả nước vào mùa cao điểm dịch, ghi nhận hơn 32.000 ca mắc sốt xuất huyết, 5 ca tử vong. Nhiều trường hợp nhập viện muộn, điều trị khó khăn do đã rơi vào sốc, suy hô hấp, rối loạn đông máu, được phân loại thành bốn nhóm như sau:
Trẻ dưới 5 tuổi
Ở trẻ nhỏ, triệu chứng bệnh ở giai đoạn đầu không điển hình như sốt cao, quấy khóc, nôn ói... dễ nhầm với sốt phát ban, cúm, tay chân miệng. Trẻ nhỏ cũng chưa đủ khả năng diễn tả rõ cảm giác đau đầu, mỏi cơ. Các yếu tố này khiến việc chẩn đoán sớm bệnh rất khó khăn.

Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi thuộc nhóm biến chứng nặng nếu mắc sốt xuất huyết. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng 2
Việc này kết hợp với hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh, khiến trẻ dễ trở nặng khi mắc sốt xuất huyết. So với người lớn, quá trình virus Dengue gây cô đặc máu, sốc sốt xuất huyết ở trẻ nhanh hơn. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể suy đa tạng, xuất huyết nặng, dẫn đến tử vong. Ngoài ra, trẻ có thể gặp biến chứng suy gan, thận, viêm não, viêm cơ tim, tràn dịch màng phổi... Điển hình hồi cuối tháng 6, Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận bệnh nhi 4 tuổi mắc sốt xuất huyết nguy kịch, gặp cùng lúc nhiều tình trạng nặng, như: suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa, men gan tăng 30 lần, men tim tăng 200 lần, rối loạn đông máu nghiêm trọng và diễn tiến suy thận.
Phụ nữ mang thai
Theo bác sĩ Chính, sốt xuất huyết có thể tác động kép lên người mẹ và thai nhi. Lý do, khi mang thai, hệ miễn dịch của người mẹ suy yếu tự nhiên để hỗ trợ quá trình mang thai, thay đổi về nội tiết, huyết động. Khi mắc sốt xuất huyết, thai phụ nhạy cảm hơn với thoát huyết tương, rối loạn đông máu. Quá trình điều trị cũng gặp khó khăn do hạn chế sử dụng thuốc, đặc biệt ở những ca nặng.
Ở thai phụ, sốt xuất huyết tăng nguy cơ chảy máu khó cầm, đặc biệt trong giai đoạn chuyển dạ, dễ dẫn đến băng huyết, tiền sản giật và nhiều biến chứng sản khoa nguy hiểm. Mắc bệnh trong ba tháng đầu khi mang thai, thai nhi tăng nguy cơ dị tật, sinh non, nhẹ cân, suy thai. Nếu mắc sốt xuất huyết ở những tháng cuối, đặc biệt khi gần ngày sinh, virus có thể lây truyền theo chiều dọc sang con, khiến trẻ sơ sinh nhiễm virus Dengue, nguy cơ tử vong cao.
Người có bệnh lý nền
Người mắc hen suyễn, tim mạch, cao huyết áp, béo phì, suy thận, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đái tháo đường, HIV... có hệ miễn dịch kém. Tim, gan, thận hoạt động kém hiệu quả nên khó chống chọi lại được sự tấn công của virus. Bên cạnh đó, việc vừa điều trị sốt xuất huyết và kiểm soát bệnh nền sẽ gặp khó khăn hơn.
Ví dụ, người thừa cân, béo phì khiến bác sĩ khó cân đối lượng dịch thất thoát để bù. Hệ hô hấp, thành mạch của người béo phì cũng yếu hơn bình thường. Họ dễ gặp biến chứng suy hô hấp, thoát huyết tương gây sốc sốt xuất huyết nghiêm trọng. Người có chức năng thận suy yếu hoặc dùng thận ghép, phải dùng thuốc ức chế miễn dịch, virus có thể gây tổn thương nặng các cơ quan nội tạng.
Người cao tuổi
Nhiều bằng chứng khoa học đã chỉ ra người cao tuổi có nguy cơ gặp biến chứng nặng và tử vong cao hơn, thời gian nằm viện dài hơn nhóm trẻ tuổi. Biến chứng thường gặp là tổn thương thận cấp, viêm gan nặng, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi và suy hô hấp cấp.
Ngoài ra, những dấu hiệu như sốt, đau mỏi cơ, mệt mỏi, lừ đừ, chán ăn của bệnh dễ bị bỏ qua hoặc nhầm với dấu hiệu suy yếu do tuổi già. Do đó, người bệnh thường nhập viện muộn, khi đã vào giai đoạn sốc.

Người cao tuổi tiêm vaccine tại Hệ thống Tiêm chủng VNVC. Ảnh: Mộc Thảo
Cách phòng bệnh
Theo Bộ Y tế, sốt xuất huyết thường diễn biến nhanh, chuyển từ thể nhẹ sang nặng và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp phòng chống, song sốt xuất huyết vẫn có xu hướng gia tăng hằng năm.
Hiện nay, chiến lược kiểm soát sốt xuất huyết tại Việt Nam tập trung vào kiểm soát và tiêu diệt muỗi trung gian truyền bệnh. Mỗi gia đình nên dành tối thiểu 10 phút mỗi tuần để kiểm tra và loại bỏ các ổ chứa bọ gậy trong vật dụng chứa nước sinh hoạt. Bể nước và các dụng cụ chứa nước nên được thau rửa, đậy kín để muỗi không đẻ trứng. Bể cảnh nên thả cá để tiêu diệt bọ gậy, thay nước lọ hoa thường xuyên...
Mọi người ngủ màn cả ban ngày, mặc quần áo dài, sử dụng kem xua muỗi, đèn hoặc vợt điện. Khi bị sốt hai ngày trở lên, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, xác định đúng bệnh. Trong giai đoạn điều trị, gia đình và bệnh nhân nên theo dõi các dấu hiệu mệt lả, chảy máu cam, chân răng, tay chân lạnh, tụt huyết áp... để nhập viện kịp thời.
Bệnh sốt xuất huyết hiện có thể phòng ngừa nhờ vaccine. Vaccine sốt xuất huyết giúp phòng 4 type huyết thanh virus gây bệnh gồm Den-1, Den-2, Den-3 và Den-4, hiệu quả bảo vệ của vaccine hơn 80% và giảm nguy cơ nhập viện hơn 90%. Mũi tiêm chỉ định cho trẻ em từ 4 tuổi trở lên và người lớn, lịch tiêm gồm hai liều cách nhau ba tháng.
Bác sĩ Chính cho biết, người từng mắc sốt xuất huyết vẫn cần tiêm vaccine. Việc tiêm vaccine sẽ giúp ngăn ngừa tái nhiễm với các chủng virus khác, từ đó giảm nguy cơ bệnh nặng. Phụ nữ nên tiêm vaccine trước mang thai, tốt nhất ba tháng hoặc tối thiểu một tháng.
Bình Nguyên
10h ngày 16/7, Hệ thống Tiêm chủng VNVC tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến: "Sốt xuất huyết bùng phát: Tiêm vaccine và phòng bệnh thế nào để bảo vệ gia đình?". Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia:
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC
TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM
Chương trình phát sóng trên các kênh truyền thông của VnExpress, VNVC, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, phòng khám dinh dưỡng Nutrihome. Độc giả đặt câu hỏi tại đây.