Trong thời gian gần đây, tôi nhận thấy có một xu hướng nổi bật: nhiều người đổ xô học AI, xem đây là "chìa khóa vạn năng" để thích ứng với thời đại. Nhưng giữa sự hối hả ấy, không ít người bỏ quên kiến thức nền tảng – vốn là cốt lõi để hiểu và ứng dụng công nghệ một cách đúng đắn.
Thế giới hôm nay đang sống trong một làn sóng mới, khi trí tuệ nhân tạo (AI) xuất hiện như một thứ công cụ thần kỳ, có thể trả lời mọi câu hỏi, làm thay đủ thứ việc. Trong các quán cà phê, hội nghị, thậm chí ngay cả những bữa cơm gia đình, người ta đều nhắc về AI. Có người hào hứng, có người lo lắng, cũng không ít người mang tâm thế hờ hững nhưng vẫn tò mò.
Và rồi, rất nhanh, một niềm tin lan rộng: chỉ cần biết dùng AI là đủ, chẳng cần phải học hành, tích lũy kiến thức nền tảng nữa. Nhưng liệu niềm tin ấy có đúng?
Trong quá trình quan sát và tương tác thực tế, điều tôi thấy nhiều nhất là cảm giác "vạn năng" mà AI mang lại thường khiến người ta lầm tưởng. Chỉ cần vài dòng lệnh, vài cú nhấp chuột, AI lập tức phản hồi, thậm chí đôi khi còn trả lời trông có vẻ thấu đáo hơn cả con người. Nhưng chỉ cần bước sâu thêm một chút, giới hạn sẽ hiện rõ: không phải ai cũng khiến AI trả lời đúng điều mình cần. Có người chỉ hỏi đơn giản, mà AI trả lời lại sắc sảo, đúng trọng tâm. Ngược lại, có người gõ cả đoạn dài dòng, AI vẫn chỉ trả lời loanh quanh, nông cạn, xa rời trọng điểm.
Sự khác biệt ấy không nằm ở AI, mà nằm ở chính người hỏi. Những người am hiểu chuyên môn, có nền tảng kiến thức vững vàng, luôn biết cách đặt câu hỏi đúng và đủ, biết "nói chuyện" với AI như đang làm việc với một cộng sự thực thụ. Còn những ai thiếu nền tảng, lúng túng trong suy nghĩ, không rõ mình cần gì, thì dĩ nhiên AI cũng chẳng thể đáp ứng đúng.
>> Con tôi đạt 8 điểm Văn tốt nghiệp THPT nhờ AI
Ngày trước, chỉ những kỹ sư công nghệ thông tin mới đủ khả năng lập trình hay điều khiển các hệ thống thông minh. Giờ đây, AI đã "trao quyền" cho tất cả mọi người. Bạn không cần biết lập trình, không cần tuân thủ cú pháp, chỉ cần ngôn ngữ đời thường cũng có thể làm việc với AI. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc ai cũng có thể khai thác được giá trị thực sự của nó.
AI giống như một đứa trẻ thông minh. Nếu người lớn đủ kiên nhẫn, đủ hiểu biết để dạy nó rành mạch, rõ ràng, nó sẽ học nhanh, làm tốt. Nhưng nếu chỉ nói vu vơ, thiếu mạch lạc, AI cũng sẽ trả lời quanh quẩn, hoặc dễ mắc sai lầm. Tương tác với AI, vì thế, không đơn thuần là hỏi – trả lời, mà còn là quá trình "dạy" và "rèn" như cách người ta nuôi một đứa trẻ. Trong đó, nền tảng kiến thức đóng vai trò như gốc rễ cốt lõi.
Việc học để trang bị kiến thức nền tảng chưa bao giờ là thừa. Nó giúp con người hiểu mình đang hỏi gì, đang cần gì, có đủ tư duy phản biện để kiểm chứng, đánh giá kết quả AI đưa ra, tránh rơi vào cái bẫy "AI nói gì cũng đúng". Vấn đề lớn nhất không phải AI trả lời sai, mà là người dùng không đủ năng lực nhận ra câu trả lời ấy đúng hay sai?
Câu chuyện về con số 0 vẫn còn nguyên giá trị ở đây. Nếu được chọn duy nhất một chữ số trong dãy số từ 0 đến 9 để ghép với số 0, phần lớn sẽ chọn số 9 để thành 90 – như một biểu tượng cho cái "to nhất" dễ nhìn thấy. Nhưng ít ai để ý, khi đặt hai số 0 cạnh nhau, ta có thể tạo ra giá trị vô cực (∞) – một khái niệm không giới hạn. Ẩn dụ ấy rất gợi: kiến thức nền tảng vốn tưởng chừng nhỏ bé, lặng lẽ, nhưng nếu được khai thác đúng chỗ, có thể mở ra những giá trị không giới hạn.
Không thể phủ nhận, AI rất mạnh. Nhưng nếu thiếu tư duy phản biện, thiếu đạo đức, thiếu kỹ năng xã hội và thiếu khả năng tự học, thì sức mạnh ấy cũng chỉ như ánh đèn lóe sáng rồi vụt tắt. Quan trọng hơn, AI vốn không có đạo đức – đó là khoảng trống mà chỉ con người mới lấp đầy được. Sử dụng AI không chỉ là chuyện cá nhân. Những hành vi gian lận, lạm dụng AI để trục lợi có thể gây hệ lụy lâu dài cho cộng đồng. Khi AI phổ biến, ý thức đạo đức và trách nhiệm phải càng được đề cao.
Một yếu tố khác ít người để ý, nhưng lại có sức nặng lâu dài, chính là vai trò của Toán học và tư duy logic. AI không phải thứ gì quá thần thánh. Về bản chất, nó chỉ là tập hợp những thuật toán được lập trình. Người hiểu rõ Toán học sẽ biết cách dùng AI để giải quyết bài toán phức tạp, thậm chí tận dụng phương pháp phản chứng, quy nạp hay mô phỏng để kiểm thử lại chính kết quả AI đưa ra. Đây cũng là lý do những ai từng thắc mắc "học Toán để làm gì?" có lẽ nên nhìn lại.
AI giống như một con dao sắc. Dao sắc có thể giúp ta cắt gọt tinh tế, chế tác những thứ đẹp đẽ, làm nên điều tuyệt vời. Nhưng cũng chính con dao ấy, nếu người cầm chủ quan, hấp tấp hoặc thiếu hiểu biết, sẽ dễ tự cắt vào tay mình. AI không phải kẻ thù, cũng chẳng phải cứu tinh. Nó đơn giản chỉ là công cụ. Người biết dùng, tỉnh táo, có nền tảng, sẽ gặt hái giá trị. Ngược lại, người lạm dụng hoặc dùng sai cách, sẽ tự chuốc lấy hệ lụy, thậm chí đánh mất chính mình trong sự lệ thuộc.
Càng dễ dùng, càng phải tỉnh táo. Càng thông minh, càng cần khiêm nhường. Vì AI có thể trả lời hàng triệu câu hỏi, nhưng chỉ con người mới biết hỏi đúng điều cần hỏi. Trong dòng chảy số hóa hôm nay, có thể nói, AI là con thuyền, còn kiến thức nền tảng chính là tay lái. Không tay lái, thuyền sẽ lạc hướng. Và rốt cuộc, đích đến vẫn nằm trong tay người chèo.
- Ứng viên viết CV bằng AI để qua mặt nhà tuyển dụng
- Nhân sự IT cao cấp 'giữ ghế' nhờ AI
- 'Giỏi hơn 4 đồng nghiệp nên không lo mất việc vì AI'
- 'Người giỏi không sợ mất việc vì AI'
- Sai lầm chạy đua năng suất với AI khiến nhiều người mất việc
- Nguy cơ mất việc của những người coi AI là kẻ thù