Từ sách in đến sách nói, thói quen và hình thức đọc của con người luôn biến đổi theo sự phát triển của công nghệ. Khi trí tuệ nhân tạo ngày càng len lỏi vào đời sống, nhiều ý kiến nói rằng chúng đang đánh dấu sự kết thúc của thói quen đọc văn bản truyền thống. Hiện AI không chỉ "viết" theo lệnh của con người, mà còn thay chúng ta đọc, giảng giải nhiều khúc mắc.
Đây chính là nội dung bài viết What's Happening to Reading (Chuyện gì đang xảy ra với việc đọc) của nhà báo Joshua Rothman trên tạp chí New Yorker hồi tháng 6. Tác giả là cây bút lâu năm của tờ báo, có nhiều bài luận về văn hóa và tâm lý học. Ông từng giảng dạy tại trường quản lý nhà nước Harvard’s Kennedy School of Public Policy.

AI có thể thay con người đọc sách, đơn giản hóa văn chương phức tạp thành phiên bản dễ hiểu hơn. Ảnh: ChatGPT
Đọc từng là hoạt động bình thường, không quá thay đổi kể từ khi ngành xuất bản hiện đại ra đời thế kỷ 19. Với mọi thể loại văn bản như báo giấy hay sách văn học, con người có một cách đọc cơ bản là "lướt mắt trên trang giấy bằng tốc độ riêng". Nhưng ngày nay, thời đại của công nghệ thay đổi bản chất của việc đọc.
Nếu chỉ đọc để biết và nắm thông tin, AI đã có khả năng vượt xa con người ở nhiều khía cạnh. Loạt công cụ "đọc" và "hiểu" lượng lớn tài liệu, nhớ hầu hết nội dung ngay khi tiếp nhận. Các mô hình ngôn ngữ ngày nay như OpenAI, ChatGPT hoặc Claude là những "cỗ máy đọc". Chúng có thể rút ra các mối liên hệ trong tác phẩm, so sánh và trích xuất thông tin rồi áp dụng những thao tác này nhiều đoạn văn bản mới với tốc độ cực nhanh.
Sức làm việc bền bỉ cũng là điểm cộng của trí tuệ nhân tạo. Trong podcast How I Write, nhà kinh tế kiêm blogger Tyler Cowen cho biết thường nhờ AI phân tích những điểm khó hiểu trong sách, và chatbot chưa từng mệt mỏi trước mọi câu hỏi. Chúng trả lời tất cả bằng vốn kiến thức rộng đến mức con người không thể theo kịp. AI cũng có thể đơn giản ý tứ trong câu, giúp độc giả dễ hiểu nội dung. Ngoài ra, chúng có thể tóm tắt tác phẩm, viết lại theo cách khác tương tự "remix" nhạc. Từ đó, AI xóa nhòa lằn ranh giữa việc đọc và biên tập.
Tác giả đặt ra vấn đề về tính nguyên bản, liệu giá trị nội tại của tác phẩm còn nguyên vẹn sau khi bị AI phối lại?
Ngày càng hiếm người đọc tác phẩm gốc - thứ sẽ cho chúng ta nhiều trải nghiệm mà AI có thể bỏ qua, dẫn đến việc khó phân biệt ai đọc sâu và đọc hời hợt. Ông nhận xét quan niệm "đọc nhiều là có học thức, trí tuệ" dần chấm dứt bởi đã có AI giúp con người hiểu đủ.

Bên cạnh điện thoại di động, máy đọc sách là lựa chọn thay thế sách giấy hiện nay. Ảnh: Pexels/ Perfecto Capucine
Không phải tất cả sách viết đều có thể tóm gọn hoặc viết lại. Theo Rothman, các tác phẩm như bộ tiểu thuyết Neapolitan của nữ nhà văn ẩn danh Italy - Elena Ferrante, sách khoa học Gödel, Escher, Bach: An Eternal Golden Braid của Douglas R. Hofstadter không nên được tóm lược bởi độ dài và sự phức tạp là điểm nhấn.
Những sáng tác mang yếu tố văn hóa địa phương, lịch sử cũng không nên bị chỉnh sửa. Joshua Rothman lấy ví dụ bộ ba kiệt tác Childhood (từng xuất bản trong nước với tên Thời thơ ấu), Boyhood (Thời niên thiếu) và Youth (Thời tuổi trẻ) của đại văn hào Nga Lev Tolstoy (1828-1910). Dẫu sách có một số cụm tiếng Đức và chi tiết văn hóa Nga khó hiểu, ông không muốn đọc chú thích mà chỉ muốn trôi theo câu chuyện được kể bằng lối văn hấp dẫn độc đáo của đại văn hào Tolstoy.

Bốn quyển thuộc bộ tiểu thuyết "Neapolitan" của nhà văn Elena Ferrante. Trong đó, "My Brilliant Friend" có bản dịch tiếng Việt với tên "Người bạn phi thường", nhà xuất bản Nhã Nam phát hành năm 2021. Ảnh: Europa Editions
"Chúng ta quan tâm đến ý định, bản sắc và quyền sở hữu của người viết. Chúng ta biết một tác phẩm viết là sự sắp xếp con chữ cụ thể, sẽ giảm sự độc đáo và giá trị nếu bị biên soạn trong một số trường hợp. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể thích thú với việc trở thành một biên tập viên của AI, biên tập những gì chúng cung cấp", Joshua Rothman viết.
Tuy AI cải thiện nhiều hạn chế của con người, cây bút của New Yorker nhận định nó chỉ là một công cụ. Ông đưa ra giả định khi văn bản trở thành một thứ dễ bị chỉnh sửa, thay thế và trừu tượng hóa, con người sẽ tìm đọc bản tóm tắt thẳng vào vấn đề hoặc nghe podcast. Ở viễn tưởng đó, một số tác giả nỗ lực chinh phục độc giả bằng chất riêng, trong khi số khác chỉ "viết cho AI". Có lẽ, phong cách viết mới sẽ tạo ra "vùng đọc" riêng cho con người.
Trong khi nhiều người còn giữ thói quen thích sách giấy và báo in, một số cá nhân chuộng đọc qua điện thoại thông minh vì thiết bị này như "một thư viện bỏ túi". Một bộ phận khác xem việc đọc từng chữ gần như lỗi thời. Họ có thể bắt đầu đọc một quyển sách trên thiết bị điện tử, sau đó chuyển sang nghe sách nói hoặc bỏ hẳn để lướt mạng xã hội, nền tảng giải trí như Netflix, YouTube.
Sự thay đổi này kéo dài hàng thập niên, phần lớn được thúc đẩy bởi các công nghệ mà giới trẻ là nhóm tiếp cận nhiều nhất. Do đó, ít người nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Để làm rõ quan điểm, ông dẫn chứng bằng hai cuộc khảo sát của Quỹ Nghệ thuật Mỹ (National Endowment for the Arts) và Trung tâm Thống kê Giáo dục Mỹ (National Center for Education Statistics), lần lượt về tỷ lệ đọc sách của người trưởng thành và trẻ em năm 2023.
Kết quả cho thấy trong 10 năm, lượng người lớn đọc một quyển sách trong một năm giảm ít, từ 55% xuống còn 48%. Trong khi đó, số trẻ 13 tuổi đọc sách "để tìm niềm vui hàng ngày" giảm gần một nửa, từ 27% đến 14%. Giới giáo sư cũng phàn nàn nhiều sinh viên bị điện thoại di động làm rối trí, không thể tập trung đọc văn bản dài, có chiều sâu.
Ông đặt câu hỏi: "Nếu chúng ta 'cày' phim siêu nhiên Stranger Things thay vì đọc truyện kinh dị của Stephen King, nghe podcast self-help thay vì mua sách cùng đề tài, đó có phải là sự kết thúc của nền văn minh?".
Dẫu vậy, tác giả cho rằng không nên bi quan trước thực trạng con người ngày càng rời xa sách vở. Bởi ngoài sách, con người còn có nhiều hình thức tiếp cận tri thức. Và việc đọc không chỉ đơn thuần là để nắm thông tin. Tác phẩm không phải là điểm cuối cùng của quá trình sáng tạo, mà đó có thể là một bước đệm, cầu nối dẫn đến những ý tưởng mới, hoặc những khám phá sâu hơn.
Trailer "Her" (2011) - một trong những bộ phim về trí tuệ nhân tạo gây chú ý. Video: Warner Bros
Phương Thảo (theo New Yorker)