Mờ mắt có thể xuất phát từ vấn đề ở võng mạc (cấu trúc ở phía sau mắt có chức năng cảm nhận ánh sáng), giác mạc, thủy tinh thể và dịch kính. Các vấn đề về thần kinh - đường dẫn truyền tín hiệu từ mắt đến não bị gián đoạn cũng gây mờ bắt. Các tật khúc xạ cận, viễn, loạn cũng ảnh hưởng đến cách ánh sáng hội tụ trên võng mạc, khiến tầm nhìn suy giảm. Tuy nhiên, đôi khi những thay đổi đột ngột về thị lực có thể cảnh báo một số bệnh lý khác nhau.
Đau mắt đỏ
Khi đau mắt đỏ, lớp màng mỏng bao phủ phần trắng của mắt và bên trong mí mắt (kết mạc) bị viêm, còn gọi là viêm kết mạc. Ngoài nhìn mờ, đau mắt đỏ còn dẫn đến màu hồng hoặc đỏ ở lòng trắng mắt, mắt ngứa, nóng rát hoặc có cảm giác cộm, mí mắt sưng, mắt chảy nước mắt, khô lại thành vảy... Nguyên nhân phổ biến nhất gây đau mắt đỏ là nhiễm virus, vi khuẩn, phản ứng dị ứng. Ở trẻ sơ sinh, đây có thể là dấu hiệu của vấn đề về ống dẫn nước mắt.
Bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường có thể gây tổn thương thị lực nếu không được kiểm soát, điển hình là bệnh võng mạc tiểu đường. Theo thời gian, lượng đường trong máu cao có thể làm tổn thương các mạch máu nhỏ trong võng mạc, bộ phận cảm nhận ánh sáng của mắt. Điều này có thể dẫn đến sưng một phần của võng mạc gọi là điểm vàng, các mạch máu mới và chảy máu bên trong mắt. Bên cạnh nhìn mờ, bệnh về mắt do tiểu đường còn có thể gây ra các đốm lơ lửng trong trường nhìn (vùng không gian mà mắt có thể nhìn thấy được tại một thời điểm nhất định).
Đau nửa đầu
Có nhiều triệu chứng khác kèm theo cơn đau như mờ mắt, nhạy cảm với ánh sáng. Người bệnh có thể cảm thấy những dấu hiệu này cả trước khi cơn đau nửa đầu xuất hiện và có khả năng kéo dài cho đến khi kết thúc. Để giảm tình trạng này, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để điều trị đau nửa đầu và ngăn ngừa cơn đau khởi phát.
Vẩy nến
Vẩy nến là bệnh rối loạn tự miễn, chủ yếu ảnh hưởng đến da song nó cũng có thể ảnh hưởng đến mắt. Các triệu chứng khác của vẩy nến như xuất hiện các mảng da ngứa, dày, đỏ có vảy hoặc đau, đau khớp và viêm.
Vẩy nến cũng có khả năng dẫn đến viêm màng bồ đào. Màng bồ đào bao gồm mống mắt (phần có màu của mắt), thể mi, giúp thủy tinh thể của mắt tập trung, màng mạch, kết nối võng mạc với các bộ phận khác của mắt. Viêm màng bồ đào gây sưng tấy, mờ mắt, đau, đỏ và nhạy cảm với ánh sáng, tuy tương đối ít gặp nhưng nó có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến thị lực.
Khối u não
Khối u xuất hiện ở não đều tạo áp lực tích tụ bên trong hộp sọ, ảnh hưởng đến thị lực. Triệu chứng u não bao gồm buồn ngủ, đau đầu dai dẳng, buồn nôn, thay đổi tính cách, co giật, nôn mửa...
Parkinson
Mờ mắt không phải là dấu hiệu đầu tiên của bệnh thần kinh này. Nhưng bệnh Parkinson trở nặng có thể ảnh hưởng đến thị lực. Nguyên nhân là do bệnh có thể thay đổi cách mắt chuyển động. Khi thị lực kém sắc nét hơn, người bệnh có thể bị căng mắt vì mắt phải làm việc nhiều hơn để tập trung. Các triệu chứng của bệnh Parkinson như mất thăng bằng và phối hợp, cứng cơ, run ảnh hưởng đến tay, cánh tay, chân và mặt.
Đột quỵ
Một trong những dấu hiệu của đột quỵ là thay đổi thị lực đột ngột, không đau. Đột quỵ có thể ảnh hưởng đến phần não điều khiển thị lực. Người bệnh có thể bị mờ mắt hoặc nhìn đôi. Tình trạng này kèm theo các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ khác như chóng mặt, mặt xệ xuống, mất thăng bằng, nói ngọng, yếu hoặc tê một bên tay, đau đầu dữ dội cần được cấp cứu kịp thời. Mờ mắt chỉ ảnh hưởng đến một mắt có thể báo hiệu bệnh lý nghiêm trọng, người bệnh nên đi khám sớm để xác định nguyên nhân.
Bảo Bảo (Theo WebMD)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh nhãn khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |