Buồn nôn là một trong những tác dụng phụ phổ biến và khó chịu nhất của hóa trị liệu trong điều trị ung thư. Buồn nôn có thể dẫn đến chán ăn, nôn gây mất nước nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, hiệu quả điều trị, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Dưới đây là 6 cách giúp khắc phục tình trạng buồn nôn cho bệnh nhân trong quá trình hóa trị.
Trao đổi với bác sĩ
Trước khi thực hiện hóa trị, bạn nên trao đổi với bác sĩ về bất kỳ tác dụng phụ nào mà bạn đang gặp phải như buồn nôn và nôn hay vấn đề ăn uống. Trong một số trường hợp, bác sĩ phải kê đơn thuốc để điều trị buồn nôn và nôn trong quá trình hóa trị cho bạn. Ăn hoặc uống không đủ có thể dẫn đến mất nước và giảm cân, ảnh hưởng đến việc điều trị. Do đó, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ để có chế độ ăn uống phù hợp.
Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày
Thay vì ăn ba bữa lớn mỗi ngày, người bệnh nên ăn từ 5-6 bữa nhỏ một ngày và chọn thức ăn nhẹ, lành mạnh. Ăn một lượng nhỏ thức ăn mỗi lần sẽ hạn chế cảm giác buồn nôn và nếu nôn khiến bạn nôn dễ dàng hơn. Tuân theo một chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng và lành mạnh giúp ích trong quá trình hóa trị. Người hóa trị ung thư nên hỏi ý kiến bác sĩ để xác định các loại thực phẩm cần tiêu thụ và phù hợp.
![Chia nhỏ bữa ăn sẽ giúp bệnh nhân ung thư hóa trị giảm buồn nôn. Ảnh: Freepik](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/12/06/Non-mua-1565-1670315746.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FOMky6LuHTsZyRXLa1EpUg)
Buồn nôn là tình trạng thường gặp ở người bệnh ung thư. Ảnh: Freepik
Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ
Khẩu phần ăn hợp lý gồm protein, carbohydrate phức tạp và rau sẽ dễ dàng hơn cho hệ thống tiêu hóa, cung cấp chất dinh dưỡng để cơ thể có thể tạo và lưu trữ năng lượng. Người bệnh nên cố gắng tránh thức ăn nhiều chất béo, nhiều dầu mỡ ngay trước hoặc trong khi điều trị. Những thực phẩm này thường khó tiêu hóa, dễ gây các cơn buồn nôn và nôn, làm cho tình trạng buồn nôn trở nên tồi tệ hơn.
Tránh xa mùi nặng
Mùi nặng hay nồng nặc như mùi nước hoa, gia vị, thức ăn... có thể gây ra cơn buồn nôn bất ngờ và dữ dội. Một số người có thể nhạy cảm với mùi thức ăn trong quá trình hóa trị. Nếu mùi thức ăn gây buồn nôn thì thử bật quạt trong bếp hoặc mở cửa sổ khi chế biến thức ăn để bớt mùi, chuẩn bị những món ăn có mùi nhẹ và tránh sử dụng thêm gia vị (hành, tỏi, quế...).
Nghỉ ngơi sau khi ăn
Nghỉ ngơi sau khi ăn nhưng không nằm hoàn toàn. Người bệnh nên ngồi dựa lưng vào tường hoặc ngồi trên ghế tựa trong ít nhất 20 phút sau khi ăn. Điều này hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn so với nằm, giảm cảm giác buồn nôn.
Uống nhiều nước ở nhiệt độ phòng
Đồ uống lạnh hoặc nóng có thể làm buồn nôn nặng hơn. Bạn nên cố gắng tiêu thụ đồ uống ở nhiệt độ phòng, uống nhiều nước; tránh rượu bia, nước có ga. Ăn thực phẩm ở nhiệt độ phòng hoặc ấm sẽ tốt hơn thức ăn lạnh hoặc nóng.
Mai Cat
(Theo Very Well Health)