Em trai tôi sau 6 năm lập gia đình, hai vợ chồng tích cóp được 500 triệu đồng. Tin tưởng tôi, em nhờ tôi tìm giúp một mảnh đất ổn định lâu dài. Thương em, tôi mất hơn một năm đi tìm, so sánh vị trí, giá cả và cuối cùng chọn được một thửa đất rất đẹp, giá 1 tỷ đồng, có thể nói là "món hời" so với thị trường.
Biết em chỉ có 500 triệu, vợ chồng em đã vay mượn thêm bên ngoài để đủ tiền mua. Tôi không dám chủ quan, nên trước khi xuống tiền, tôi tự mình đi xác minh kỹ lưỡng:
- Kiểm tra quy hoạch tại địa chính xã - không dính quy hoạch.
- Kiểm tra pháp lý - sổ hồng hợp pháp, không thế chấp.
- Kiểm tra lịch sử tranh chấp - hoàn toàn không có.
- Nhờ văn phòng công chứng tra cứu thêm trên hệ thống - sạch sẽ.
Quá an tâm, tôi đại diện em trai làm hợp đồng mua bán, công chứng, thanh toán 90% giá trị lô đất. Hai bên thỏa thuận sẽ trả nốt 10% khi hoàn tất ra sổ sang tên.
Chủ đất là người làm ăn thua lỗ nên bán gấp, rất thiện chí, sẵn sàng phối hợp nhanh chóng. Tuy nhiên, đến ngày nhận sổ, chúng tôi bất ngờ nhận thông báo thửa đất đang bị "ngăn chặn giao dịch" do có tranh chấp dân sự.
Liên hệ lại chủ đất, tôi mới vỡ lẽ: vợ anh ấy chơi hụi, thiếu nợ 100 triệu. Chủ hụi đã gửi đơn lên tòa yêu cầu phong tỏa thửa đất để tránh chủ đất "tẩu tán tài sản".
Tôi rất bất ngờ. Toàn bộ quá trình mua bán hợp pháp, minh bạch, công chứng đầy đủ. Người chủ hụi lại gọi cho tôi, yêu cầu tôi trả số tiền còn lại, 100 triệu (10%) để họ rút đơn. Tôi từ chối. Tôi là bên mua ngay tình, không liên quan gì đến món nợ dân sự kia.
Tôi tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng và được giải thích: Nếu làm đúng quy trình, vẫn có thể làm sổ được, nhưng phải chờ từ 3-6 tháng để quá trình xử lý tranh chấp hoàn tất.
Trong khi đó, em tôi vay bên ngoài với lãi cao, nếu không có sổ sang tên để vay ngân hàng, sẽ không kịp xoay dòng tiền, dễ rơi vào vòng xoáy nợ.
Sau nhiều lần thương lượng, thậm chí cãi vã cuối cùng chúng tôi chấp nhận đưa thêm 50 triệu đồng cho bên bán để họ "tự giải quyết" với chủ hụi. Gần 3 tháng sau, đơn ngăn chặn được rút, chúng tôi mới được tiếp tục quy trình ra sổ.
Điều tôi trăn trở là: Dù đã làm đúng pháp luật, kiểm tra kỹ càng mọi mặt, nhưng chỉ một rủi ro dân sự phát sinh từ bên bán, chúng tôi vẫn phải chịu hậu quả.
Tôi nghĩ đây là một "lỗ hổng". Người mua ngay tình, hợp pháp, đôi khi vẫn trở thành bên yếu thế vì tranh chấp của người khác. Tôi mong muốn chia sẻ câu chuyện để cảnh báo những ai đang dự định mua đất: Đừng chỉ kiểm tra giấy tờ, mà còn cần hiểu cả "hồ sơ xã hội" của người bán. Đôi khi, một món nợ tưởng như nhỏ lại là rào cản cực lớn cho người mua thiện chí như chúng tôi.
Hữu Nghĩa