Vợ chồng tôi cưới nhau được gần 20 năm. Từ hai bàn tay trắng, giờ tạm gọi là "sống được" ở Sài Gòn. Chúng tôi có hai con trai, một học cấp 3, một học cấp 2. Các cháu ngoan, học chỉ mức trung bình về điểm số. Nhưng, tôi hài lòng về "chất lượng" của hai đứa con của mình. Từ trải nghiệm bản thân, tôi biết, điểm số chỉ là một yếu tố phụ trong các chỉ số trưởng thành của một con người.
Từ khi cưới nhau, vợ chồng tôi ít khi cãi vã to tiếng với nhau. Số lần chúng tôi giận nhau chỉ chưa bằng số ngón của một bàn tay. Nhưng chúng tôi là người trần mắt thịt, không phải là thánh nhân gì, cũng phải "cày sâu cuốc bẫm", một thời gian dài đầu tắt mặt tối để mưu sinh. Và đến bây giờ, chúng tôi vẫn chưa có thời gian nghỉ ngơi đúng nghĩa, ngoại trừ mỗi năm cả nhà đi du lịch một chuyến, trong khoảng một tuần lễ. Còn lại, hai vợ chồng vẫn phải chạy đua với cuộc sống. Vì nhìn về phía trước, còn bao nhiêu việc cần phải làm và bao nhiêu trách nhiệm (hay quyền lợi) cần phải thực hiện.
Làm người, nhất là vợ chồng sống với nhau lâu năm, các bạn sẽ hỏi, làm sao mà chúng tôi duy trì được cuộc sống ấm êm như vậy?
Theo tôi, thứ nhất là do chúng tôi "trúng duyên nhau", nói như ông bà là "có nợ nần nhau chút đỉnh". Trong ba lý do hai người nên vợ nên chồng là "một duyên, hai nợ, ba lầm lấy nhau", chúng tôi có hai lý do đầu. Nhưng duyên nợ vẫn chưa bảo đảm cho một mối quan hệ bền vững và hạnh phúc nếu không có sự thấu hiểu và tuân thủ các quy luật tự nhiên của mối quan hệ vợ chồng. Đó là "tương kính như tân", lắng nghe và đối thoại.
Tôn trọng nhau là yếu tố sống còn của một mối quan hệ. Để tôn trọng bạn cần học bài học tôn trọng, cũng như cần giỏi toán, bạn phải không ngừng học toán vậy. Bài học tôn trọng ở đây là tôn trọng các yếu tố thuộc về tâm lý cá nhân, giới tính của họ, truy nguyên nguồn cội, môi trường trưởng thành của người bạn đời, áp dụng vào đời sống hàng ngày để điều chỉnh hành vi của họ.
>> 'Phụ nữ không có bổn phận phải nhẫn nhịn, chịu khó'
Thứ hai, để nuôi dưỡng và bảo trì mối quan hệ, bạn cần đối thoại, như là cách bác sĩ sinh thiết để tìm ra bệnh cho bệnh nhân. Đối thoại là cách sinh thiết một mối quan hệ, để tìm ra các lỗ hổng và "bệnh" của mối quan hệ để chữa trị và giúp một mối quan hệ ngày càng gắn bó. Thông qua đối thoại, ta hiểu tâm tư, nguyện vọng và điều chỉnh hành vi của nhau.
Thứ ba, để đối thoại hiệu quả, ta cần phải lắng nghe. Để lắng nghe giỏi, bạn phải học. Lắng nghe là một môn học tương đối khó, vì nó đòi hỏi sự kiên nhẫn và nắm bắt, xử lý thông tin từ người nói, để cho ra đáp số sau khi người nói kết thúc việc nói của họ. Nếu đáp số càng chính xác, bạn thật giỏi môn lắng nghe. Và như vậy, hiệu quả tự nhiên của việc lắng nghe là mối quan hệ sẽ bền vững.
Để quan hệ bền vững, đừng ép buộc, cưỡng cầu. Tình cảm giữa con người với con người là một tình cảm tự nhiên, khó giải thích, là sự rung động, thấu cảm, muốn nâng đỡ, sẻ chia và xuất phát từ bên trong mỗi cá nhân. Có tình cảm, tất sẽ dẫn đến hành động. Đừng nhân danh các mối quan hệ hình thức mà bắt người này phải yêu người kia khi họ không có tình cảm hay không muốn yêu thương.
>> Đàn ông gia trưởng bắt vợ vào bếp mỗi ngày
Xuất phát từ đó, nên tôi chưa bao giờ bắt vợ phải yêu thương mẹ chồng. Tôi cũng không bắt vợ phải phụng sự, có hiếu, yêu thương nhà chồng. Vì đó là tình cảm cá nhân, tôi không thể và cũng không bắt buộc vợ mình. Khi nhà có việc như giỗ chạp, cưới hỏi, tôi chỉ báo cho vợ biết và không yêu cầu hay đòi hỏi ở vợ bất cứ việc gì. Suy cho cùng, đó là việc của gia đình tôi, không phải việc của vợ. Vợ có quyền không về nếu không muốn, tất nhiên là tôi không vui, nhưng cũng không ép.
Mẹ xuống nhà chơi, tôi cũng không bắt vợ phải nấu cơm cho mẹ. Tất nhiên là vợ tôi cũng không phải là người tệ đến nỗi không nhận ra những việc cần phải làm, nhưng đó đều là do vợ tự nguyện. Tôi tuyệt đối không ép, lại càng không lấy vai trò của người chồng, người đàn ông trong gia đình ra để hù dọa. Có chăng là tôi thể hiện tốt vai trò làm chồng, làm rể, để "làm gương" cho vợ, để vợ ít nhất là không ghét mẹ chồng, kính trọng ở mức tối thiểu của người con dâu.
Là người đàn ông, tôi nghĩ ai cũng nên học tập, tu dưỡng "ngõ hầu xác lập" và nâng cao các giá trị của bản thân. Khi bạn có giá trị, tự thân mọi người sẽ có xu hướng muốn gần gũi, yêu thương bạn, muốn kết thân với bạn. Còn khi bạn là một con người vô giá trị thì đừng bắt người khác phải yêu thương mình. Lại càng không thể bắt người khác yêu thương mẹ mình, cho dù đó là con dâu của bà.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.