Đối với các cặp vợ chồng, việc hiếu nghĩa hai bên nội - ngoại sao cho vẹn toàn không phải việc đơn giản. Một người bạn của tôi kết hôn đã gần 20 năm, cả hai quê nội ngoại đều ở xa, cách nhau gần 200 km. Bố mẹ chồng của bạn vẫn còn giữ quan niệm "lấy chồng phải theo chồng" nên suy nghĩ Tết phải ở bên nhà nội, còn nhà ngoại tính sau. Dẫu bên ngoại có buồn thì cũng chẳng dám trách bởi "con gái đã là con người ta".
Chồng của bạn nghe lời bố mẹ nên năm nào cứ đến dịp nghỉ Tết, cả nhà lại khăn gói lên đường về quê nội từ 27 Tết đến mùng Hai mới về quê ngoại. Có năm, bạn mới sinh con đầu lòng hơn một tháng là đến Tết, hai vợ chồng trẻ khi ấy còn chưa có nhà riêng, phải đi thuê nhà ở Hà Nội, không có tiền thuê taxi về quê chồng. Bạn phải bế con nhỏ, chồng tay xách nách mang các túi đồ quần áo, bỉm, sữa của con đi hai chuyến xe buýt ra bến xe rồi ngồi mấy tiếng đồng hồ trong chiếc xe khách nêm chật người không còn khe hở nào.
Ngồi xe chật chội, ồn ào, nóng bức, con quấy khóc, cho con bú, bế con suốt chặng đường nặng trĩu cả tay khiến bạn mệt mỏi, kiệt sức, không muốn về quê chồng, nhưng không về thì bố mẹ chồng lại giận hờn, trách móc, không vui. Thế là, gần 20 năm lấy chồng, hành trình của gia đình bạn tôi năm nào cũng thế. Cứ được nghỉ làm là rồng rắn về quê nội ở đến mùng Hai mới về ngoại.
Bạn chia sẻ, có duy nhất một năm bạn sinh con thứ hai được khoảng một tháng là Tết. Chồng bạn phải trực đêm 30 Tết ở công ty nên năm đó bạn mới dám xin phép bố mẹ chồng cho về nhà ngoại trước, đến mùng Hai sẽ về nhà nội. Ông bà ngoại khi ấy gửi nhiều đồ biếu nhưng ông bà nội tỏ thái độ lạnh nhạt, không vui vẻ chút nào, cả nhà ăn bữa cơm Tết trong không khí ngột ngạt, không có tiếng cười. Cô bạn tôi ấm ức khóc, tủi thân vì bố mẹ chồng thiếu sự cảm thông, chia sẻ với các con.
Dù năm nào cũng về quê chồng đón giao thừa nhưng trong lòng bạn luôn cảm thấy ấm ức, không vui. Bố mẹ chồng luôn yêu cầu con trai, con dâu, các cháu về quê đón giao thừa đầy đủ, mà không bận tâm đến nhà thông gia đang đón giao thừa trong lặng lẽ vì con gái đi lấy chồng xa, không có đứa nào về với bố mẹ.
>> Ba ngày Tết ở nhà vợ như tra tấn
Tôi có hai cô em gái. Một em 41 tuổi, lấy chồng quê ở Quảng Ngãi. Năm nào vợ chồng em cũng phải đặt mua vé máy bay từ trước Tết một tháng vì vé máy bay mua giáp Tết rất đắt, tiền đi lại có khi đã tốn bằng tiền tiêu Tết của nhà khác. Vì nhà xa nên em không thể đi đi về về hai quê trong mấy ngày nghỉ Tết. Hai em đành sắm Tết cho nhà ngoại trước, từ cây quất, cành đào, hoa tươi cắm lọ, rượu, bánh, kẹo, giò, chả... đầy đủ, rồi về quê nội đón Tết cả bảy ngày. Bố mẹ tôi luôn thông cảm, không bao giờ trách con.
Một em gái khác của tôi 38 tuổi, lấy chồng quê ở Hải Phòng, chỉ cách nhà bố mẹ tôi 200 km, đi ôtô đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ mất gần ba tiếng đồng hồ là đến nơi nên đỡ vất vả hơn. Hai vợ chồng em luôn thống nhất chia đều Tết cho bên nội, bên ngoại, mỗi năm ưu tiên một nhà.
Điều khiến tôi rất nể phục gia đình hai em gái tôi ở chỗ vợ chồng luôn thống nhất ý kiến với nhau, lo Tết bên nội - bên ngoại như nhau, không có chuyện "nhất bên trọng nhất bên khinh", không có chuyện chỉ lo nhà nội còn kệ nhà ngoại. Vợ chồng các em luôn vui vẻ khi cả hai lo cho gia đình của mình, không ai ấm ức, ghen tỵ.
Tết đến là dịp các gia đình đoàn tụ, ai cũng mong muốn sẽ được ở bên những người thân ruột thịt của mình. Mong muốn được chia đều Tết cho bên nội - bên ngoại là rất chính đáng. Nếu điều kiện thuận lợi, cả hai có thể cùng chia thời gian hợp lý để về được cả nhà nội và ngoại, còn không có thể thống nhất với nhau năm nay ăn Tết bên này thì sang năm về bên kia chứ không nên phân biệt nội, ngoại. Đừng để mâu thuẫn những ngày trước Tết khiến cho không khí gia đình những ngày Tết chẳng thể vui vẻ.
Với quan điểm truyền thống "xuất giá tòng phu", đa phần chị em phụ nữ sau khi đi lấy chồng, vào mỗi dịp Tết đến, đều phải lo lắng cho nhà chồng trước tiên. Hơn nữa, quan niệm "lấy chồng phải theo chồng" khiến không ít người chồng suy nghĩ Tết phải ở bên nhà nội, gây nên những xung đột không đáng có.
Tôi thấy dần dần xã hội phát triển hơn nên tư tưởng Tết về nội hay về ngoại cũng cần cởi mở hơn. Mọi người đều có bố mẹ và đều muốn trở về gia đình của mình. Đón Tết ở quê nội hay quê ngoại đều được, miễn là vợ chồng hạnh phúc.
- Tôi thèm cảm giác tất bật nấu nướng ngày Tết nhà chồng
- Tôi nhường chồng ăn Tết nhà nội đến mùng Ba
- Tôi để hai con trai ăn Tết nhà vợ
- 'Hết thời con dâu bắt buộc phải lo Tết nhà chồng'
- Nhà chồng khích bác vì tôi không chịu về nội ăn Tết
- Tôi muốn vợ chu toàn Tết nhà chồng trước khi về ngoại